Tại Toạ đàm trực tuyến "Ngành ngân hàng - Điểm sáng từ câu chuyện tăng vốn” ngày 28/7, các chuyên gia cho rằng, dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, nhưng kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng vẫn rất khả quan, “sức khoẻ” các nhà băng cũng tốt hơn nhiều so với trước đây. Những yếu tố này là cơ sở để nhà đầu tư quyết định “đổ tiền” vào ngân hàng.
82.000 tỷ bổ sung vốn trong năm 2021
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, hàng loạt ngân hàng sẽ tung ra thị trường hàng tỷ cổ phiếu qua chia cổ tức năm 2020 và phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, bán cổ phiếu ESOP (cổ phiếu thưởng hoặc bán cho người lao động) nhằm tăng vốn điều lệ. Ước tính, trong năm 2021 có khoảng 82.000 tỷ đồng bổ sung vốn cho ngành ngân hàng, tăng 31% so với năm 2020.
Ngân hàng cần bộ đệm vốn lớn hơn để theo kịp tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm hiện nay. (Ảnh: Int) |
Ví dụ, riêng tháng 6 đã có hơn 1 tỷ cổ phiếu ngân hàng được phát hành theo hình thức chia cổ tức và cổ phiếu thưởng, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng bổ sung vốn điều lệ.
Theo tính toán, chỉ riêng tháng 7 này sẽ có hơn 2,2 tỷ cổ phiếu ngân hàng niêm yết mới trên thị trường, tương đương khoảng 22.000 tỷ đồng bổ sung vào vốn điều lệ các ngân hàng.
Các chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm có khoảng 15 ngân hàng sẽ thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Lý do mà các ngân hàng đưa ra về việc tăng mạnh vốn điều lệ trong năm nay là nhằm nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực đầu tư phát triển hệ thống, mở rộng mạng lưới chi nhánh và tăng cường đầu tư…
Bên cạnh đó, nguyên nhân chính các ngân hàng có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ trong năm 2021 là để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và các chỉ tiêu trong hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, gần đây, nhiều ngân hàng công bố đã đạt chuẩn Basel II. Tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng có hệ số CAR 9%, các ngân hàng có vốn nhà nước có thể có CAR thấp hơn, ở mức tối thiểu 8%. Trong khi đó, ngân hàng muốn tăng đầu tư vào các tài sản có rủi ro như tăng dư nợ, danh mục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp... đòi hỏi lượng vốn tự có phải tăng tương ứng, việc duy trì CAR ở mức tối thiểu sẽ không đạt yêu cầu.
Nhiều thuận lợi cho việc tăng vốn
Ông Hưng cho biết, để một ngân hàng xếp hạng A theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, hệ số CAR phải duy trì trên 10% cho vốn cấp 1, trên 12% cho vốn cấp 2. Chưa kể hiện nay, một số ngân hàng đang tiến tới chuẩn Basel III, tỷ lệ CAR phải tăng thêm 2,5% so với trước.
Các ngân hàng phải đầu tư vào các danh mục tín dụng, cho vay thì mới có thu nhập và tăng lợi nhuận, từ đó sẽ có cổ tức cho cổ đông. Mặt khác, cổ đông luôn muốn được hưởng cổ tức cao nhất. Do đó, đòi hỏi ngân hàng phải quản trị một cách hiệu quả và lúc nào cũng phải ở trong xu thế tăng vốn.
Lý giải lý do vì sao các ngân hàng chọn thời điểm hiện nay để tăng vốn, Tổng giám đốc TPBank cho rằng, những năm trước, hệ số sinh lời (ROE) của các ngân hàng thấp, khoảng 10%, hiện khoảng 15%, thậm chí một số ngân hàng đạt hơn 20%. Chẳng hạn như: ROE năm 2020 của VIB đạt 29,55%, TPBank là 26%, ACB đạt 24,31%, VPBank là 21,92%, Vietcombank là 20,55%... Vì vậy, các nhà đầu tư dễ hấp thụ khi ngân hàng phát hành cổ phiếu mới, hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
“Các nhà đầu tư hy vọng khả năng sinh lời bằng việc đầu tư cổ phiếu ngân hàng sẽ an toàn hơn nhiều so với các kênh khác. Đồng thời, việc tăng vốn cũng rất cấp thiết với các nhà băng do quyết định đến việc tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, đây là thời điểm tốt để các ngân hàng tăng vốn điều lệ”, ông Hưng nhấn mạnh.
Vấn đề đặt ra là, với nguồn cung lớn cổ phiếu ngân hàng sẽ đưa vào thị trường, liệu nhà đầu tư có hấp thụ hết? Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết, khi nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự so sánh ngân hàng Việt và các ngân hàng trong khu vực.
Hiện tại, trung bình tỷ lệ ROE ở Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonsia, Malaysia, Philippin, Trung Quốc, Ấn Độ... chỉ khoảng 9 - 11%. Ngoài ra, về các chỉ tiêu khác như tăng trưởng về phí ở các ngân hàng Việt Nam có dư địa rất lớn so với các nước khác. Tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ, sản phẩm tài chính như: bảo hiểm nhân thọ, trái phiếu doanh nghiệp; các sản phẩm quản lý tài sản; thanh toán thẻ còn thấp nên dự báo dư địa tăng trưởng về phí trong thời gian tới sẽ rất tốt.
Tuy nhiên, bà Phương cho rằng, có 2 yếu tố thách thức cho việc tăng vốn của các ngân hàng. Thứ nhất, phần lớn các nhà băng đã tuân thủ 3 trụ cột Basel II, một số đang tiến tới Basel III, trong khi hầu hết các ngân hàng khu vực đã đáp ứng tiêu chuẩn Basel III. Thứ hai, việc tăng vốn chủ sở hữu của một số ngân hàng chưa theo kịp mức độ tăng trưởng tài sản rủi ro. Ví dụ, một số ngân hàng lớn mang tính trụ cột của ngành ngân hàng Việt Nam rất khó đạt được Basel II do không kịp tăng vốn.
Huyền Anh