MSB vừa "phá giá lãi suất" áp dụng cho vay tiêu dùng chỉ còn 0% cho tháng đầu tiên. |
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian đại dịch Covid-19 có đến 185 lượt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương các nước trên thế giới. Việt Nam đã thực hiện 4 lượt cắt giảm lãi suất kể từ cuối năm 2019 đến nay.
"Khẩu vị" rủi ro của các ngân hàng đã thay đổi rất nhiều. Đến nay, hầu như các khoản vay liên quan đến đầu tư dự án giao thông, kinh doanh bất động sản... ngân hàng đã “siết” lại. Đối tượng được nhiều ngân hàng hướng đến hiện nay là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức cầu yếu, số lượng doanh nghiệp tốt và đáp ứng được khẩu vị rủi ro của các ngân hàng không nhiều. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng hiện nay thấp nhất trong nhiều năm.
Trước tình trạng trên, một số ngân hàng đã “phá giá lãi suất” cho vay. MSB tiếp tục giảm lãi suất xuống chỉ còn 0% cho nhóm khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng và phát triển kinh doanh.
Thực tế, với gói vay tiêu dùng lãi suất 0 đồng, MSB chỉ áp dụng lãi suất ưu đãi 0% trong tháng đầu tiên, 11 tháng tiếp lãi suất là 8,5%. Sau thời gian trên áp dụng theo lãi suất thông thường.
Một trong những điểm sáng trong điều hành chính sách tiền tệ 9 tháng đầu năm 2020, theo Phó Thống đốc chính là mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm 02 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân.
Nói về khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành, Phó Thống đốc cho biết NHNN sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và sức khoẻ hệ thống ngân hàng để quyết định điều chỉnh các công cụ chính sách tiền tệ trong đó có lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát và an toàn hệ thống.
“Trong điều hành, chúng tôi luôn chú trọng điều hành thanh khoản thuận lợi cho các TCTD để các ngân hàng có điều kiện không tăng lãi suất. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí như giảm lương, thưởng, không chia cổ tức bằng tiền mặt…từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay”, bà Hồng cho hay.
Riêng về dư địa giảm lãi suất điều hành, theo thống kê của NHNN, trong thời gian đại dịch Covid-19 có đến 185 lượt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương các nước trên thế giới. Việt Nam có tới 4 lượt giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm tới nay. Vì vậy, trong thời gian tới, NHNN sẽ căn cứ vào vĩ mô và sức khỏe của hệ thống đặc biệt là thanh khoản của các ngân hàng tại các thời điểm để quyết định điều chỉnh lãi suất nếu cần thiết.
Thanh Hoa