Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng, tín dụng phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế sau khi mở cửa trở lại, với các chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) và doanh thu bán lẻ đều tăng lên từ tháng 11, dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 12.
Các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có thêm nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh trong tháng cuối năm. |
Cùng với đó, hiện nay, các ngân hàng thương mại đã tung ra các gói, chương trình ưu đãi nhằm kích cầu tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cuối năm.
Bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua, NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, đảm bảo vận hành thông suốt và ổn định thị trường tiền tệ.
“11 tháng, thị trường tiền tệ dồi dào, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng giảm lãi suất, đáp ứng nhu cầu nguồn vốn vay của nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm so với năm 2020”, bà Hằng cho hay.
Cụ thể, lãi suất cho vay đã giảm 1% trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm khoảng 0,66%/năm. Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 10/2021, tổng số tiền lãi đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 31.400 tỷ đồng.
Để giúp các ngân hàng thương mại đã chạm trần tín dụng có thêm dư địa hỗ trợ cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế, NHNN mới đây cũng đã chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 cho một số ngân hàng, với việc nới thêm từ 3%-6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng.
Chẳng hạn, TPBank là ngân hàng được cấp "room" tăng trưởng cao nhất với 23,4% cho năm 2021, tăng so với mức 17,4% trước đó. Ba ngân hàng khác được giao tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay gồm Techcombank 22,1%, MSB 22% và MB 21%.
Các ngân hàng khác cũng được nới room tín dụng như VIB: 19,1%, VPBank: 17,1%, Vietcombank: 15%, OCB: 15%, VietinBank: 12,5%, BIDV: 12%...
Bên cạnh đó, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, NHNN cũng đang cân nhắc lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn như đã đề cập trong Thông tư 08/2020-NHNN. “Dù tỷ lệ này hiện tại không còn đáng lo ngại khi hầu hết ngân hàng thương mại đều đáp ứng mức yêu cầu của NHNN, việc lùi thời điểm áp dụng Thông tư 08 sẽ phần nào giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng, đặc biệt các dự án vay vốn trung-dài hạn xây dựng cơ sở hạ tầng như dự án cao tốc Bắc-Nam”, bà Hằng khẳng định.
Trước đó, VnBusiness cũng đã có bài phản ánh ý kiến của các chuyên gia về việc NHNN nên tiếp tục hoãn siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu trong đại dịch COVID-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14” ngày 24/11, ông Lê Trung Kiên, Phó cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (Cục IV) thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - NHNN cũng khẳng định, NHNN đang nghiên cứu, xem xét việc lùi thời gian áp dụng tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Trước đó, tháng 8/2020, NHNN đã ban hành Thông tư 08/2020, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019. Theo đó, lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn được lùi lại một năm. Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021, tỷ lệ này được áp dụng 40%; từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 giảm còn 37%; từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023 giảm còn 34% và từ ngày 1/10/2023 là 30%.
Thanh Hoa