Dịch bệnh Covid-19 đang tác động rất lớn đến nền kinh tế. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp (DN) giải thể, phá sản duy trì ở mức cao. 9 tháng đầu năm có 45 nghìn DN tạm dừng hoạt động, tăng 16,7% so với cùng kỳ; 32,4 nghìn DN chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%. Trung bình mỗi tháng có 10 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Điều này ảnh hưởng lớn tới chất lượng tín dụng ngân hàng.
Việc hoãn siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Thời gian qua, để đảm bảo an toàn hệ thống mà vẫn cung ứng vốn tốt cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng duy trì mức độ tăng trưởng tín dụng hợp lý, hỗ trợ người dân, DN phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, khó khăn sẽ còn bủa vây các DN trong năm 2022. Vì vậy, sự đồng hành của các ngân hàng trong lúc này là rất cần thiết.
Thế nhưng, với áp lực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lượng tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng liên tục giảm trong những tháng gần đây và dự kiến sẽ còn giảm trong thời gian tới.
Trong khi đó, để giảm chi phí vốn và triển khai lãi suất ưu đãi cho khách hàng, các ngân hàng cần tiếp tục duy trì tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn trong cơ cấu huy động vốn. Do vậy, việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ mức 40% về 37% từ ngày 1/10/2021 theo lộ trình tại Thông tư 08/2020 sửa đổi Thông tư 22/2019 có thể dẫn đến phương án cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng gặp khó khăn.
Số liệu thống kê từ NHNN cho biết, lũy kế đến cuối tháng 9, số dư tiền gửi tiết kiệm của dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt mức 5,29 triệu tỷ đồng, tăng 2,92%, thấp hơn con số gần 3% vào cuối tháng 7. Đáng lưu ý, tiền gửi tiết kiệm của dân cư giảm mạnh trong 5 năm gần đây. Nếu năm 2016, tăng trưởng tiền gửi của dân cư là 17,4%, năm 2017 chỉ là 13,54% và liên tục giảm 4 năm sau đó, chỉ còn 6,46% vào năm 2020.
Riêng trong 2 tháng liên tiếp 8 và 9/2021, tiền gửi của người dân ghi nhận sụt giảm. Cụ thể, trong tháng 8, tiền gửi của người dân đã giảm gần 1.000 tỷ đồng, tháng 9 sụt giảm tới gần 1.500 tỷ đồng.
Vì vậy, có ý kiến cho rằng, để đảm bảo thực hiện các chính sách ưu đãi lãi suất, duy trì dư nợ trung dài hạn ổn định cho khách hàng, NHNN nên tiếp tục xem xét lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn.
Phát biểu tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu trong đại dịch COVID-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14” ngày 24/11, ông Lê Trung Kiên, Phó cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (Cục IV) thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - NHNN cho hay, NHNN đang nghiên cứu, xem xét việc lùi thời gian áp dụng tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Trước đó, tháng 8/2020, NHNN đã ban hành Thông tư 08/2020, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019. Theo đó, lộ trình áp dụng tỷ lệ “tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn” được lùi lại một năm. Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021, tỷ lệ này được áp dụng 40%; từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 giảm còn 37%; từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023 giảm còn 34% và từ ngày 1/10/2023 là 30%.
Với tình hình hiện nay, nhiều khả năng, NHNN sẽ tiếp tục lùi thời điểm áp dụng thêm 1 năm nữa để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.
Thanh Hoa