Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2021, công ty chứng khoán BSC nhận định, sự hồi phục mạnh của nền kinh tế sau một thời gian kiểm soát tốt dịch bệnh đã giúp hồi phục cầu tín dụng trong quý IV.
BSC cho rằng, việc mở cửa trở lại giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13% trong năm nay là có thể đạt được nhờ các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại và việc NHNN vừa nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Điều này giúp các nhà băng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều bên đã chạm trần tín dụng sau 9 tháng đầu năm.
Tăng trưởng tín dụng cả năm của các ngân hàng sau khi được Ngân hàng Nhà nước nới thêm room trong quý IV. (Nguồn: BSC) |
Cụ thể, TPBank là ngân hàng được cấp 'room' tăng trưởng cao nhất với 23,4% cho năm 2021, tăng so với mức 17,4% trước đó. Ba ngân hàng khác được giao tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay gồm Techcombank 22,1%, MSB 22% và MBB 21%.
Các ngân hàng khác cũng được nới room tín dụng như VIB 19,1%, VPBank 17,1%. Vietcombank 15%, OCB 15%, Vietinbank 12,5%, BIDV 12%...
Trước đó, nhiều ngân hàng cho biết, đã chạm trần tăng trưởng tín dụng và đang đợi NHNN nới thêm room. Tại cuộc họp với các nhà đầu tư hồi đầu tháng 11, lãnh đạo MSB cho biết, sau 9 tháng tín dụng của MSB tăng gần 16%, cao hơn mức 10,6% cuối tháng 6. Ngân hàng vẫn kỳ vọng đạt hạn mức 25% cho cả năm.
Theo lãnh đạo ngân hàng này, MSB là ngân hàng có quản trị rủi ro tốt, tập trung giải ngân vào các ngành phát triển bền vững , tích cực tham gia các hoạt động và chính sách của NHNN. Trong kỳ nới hạn mức tín dụng cuối năm, MSB kỳ vọng sẽ được nâng "room" tín dụng, dựa trên cân đối và phân bổ của cơ quan điều hành.
Hay như trường hợp của HDBank, đến giữa tháng 9, tăng trưởng tín dụng đã đạt hơn 9%, gần chạm mức trần tín dụng là 10%.
Không chỉ MSB, HDBank, một số ngân hàng thương mại có mức tăng trưởng cho vay khách hàng tốt trong 9 tháng bao gồm: Techcombank, TPBank, VIB, LienVietPostBank, MB....
Trước đó, NHNN đã có đợt tăng thêm chỉ tiêu tín dụng cho khoảng 13 ngân hàng, bao gồm: Techcombank lên mức 17,1%, TPBank 17,4%, MSB 16%, MBBank 15%, VIB 14,1%, LienVietPostBank và ACB cùng chung mức 13,1%, Vietcombank 12,5%, VPBank 12,1%, SHB là 10,5%, Sacombank 10,5%, OCB là 10% và VietinBank 9,5%.
Có thể thấy, cũng giống như những lần trước đó, NHNN căn cứ vào hai tiêu chí chính để các ngân hàng được nới room tín dụng đó là chất lượng tài sản và chỉ số an toàn tốt.
Ở đợt nới thêm quý IV, Techcombank và TPBank là hai ngân hàng được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhất do tỷ lệ an toàn vốn (CAR) Basel II ở mức cao, danh mục đầu tư rộng và không tập trung quá nhiều vào các ngành nghề rủi ro, đi kèm với đó là cam kết hỗ trợ lãi suất cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Công ty chứng khoán Yuanta nhận định, các ngân hàng có nguồn vốn dồi dào, có năng lực quản trị rủi ro vững chắc, và tuân thủ đúng theo chính sách của NHNN (như tái cơ cấu dư nợ cho vay, hay giảm lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng) có thể sẽ nhận được hạn mức tín dụng cao hơn. Những cái tên được Yuanta nhắc đến gồm Vietcombank, MB, Techcombank và MSB.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong năm 2022, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao khoảng 13%, được hỗ trợ nền kinh tế tiếp tục hồi phục sau dịch bệnh và gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỷ đồng trong 2-3 năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Thanh Hoa