Sáng nay (10/10), Kienlongbank tung ra chương trình ưu đãi tiết kiệm số ưu việt với mức lãi suất huy động lên tới 8,6%/năm.
Cụ thể, khách hàng tham gia gửi tiết kiệm trực tuyến thông qua ứng dụng KienlongBank Plus hoặc Umee by KienlongBank và lựa chọn phương thức lãnh lãi cuối kỳ sẽ được hưởng lãi suất trực tuyến lên đến 8,6%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng. Tăng vọt từ 0,7 đến 1,2 điểm % so với mức lãi suất ngân hàng áp dụng cho các kỳ hạn trên trước đó.
Lãi suất tiết kiệm theo biểu niêm yết vừa điều chỉnh mới của SCB đã tăng lên mức 8,9%. |
Đối với các kỳ hạn ngắn (từ 6 tháng đến dưới 12 tháng) mức lãi suất ưu đãi cũng được điều chỉnh dao động từ 8,1% - 8,3% tùy từng kỳ hạn, tương đương tăng khoảng 1 điểm % so với trước đó.
Trong trường hợp khách hàng lựa chọn hình thức gửi tiết kiệm trực tiếp tại quầy thay vì tiết kiệm trực tuyến, mức lãi suất cũng được điều chỉnh tăng 0,3 điểm % tương ứng với từng kỳ hạn. Sau điều chỉnh, biên độ lãi suất cho các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 36 tháng dao động từ 7,8% - 8,3%.
Trước đó, ngày 8/10, SCB cũng đã điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động tại hầu hết kỳ hạn đối với nhiều sản phẩm.
Cụ thể, với gửi tiết kiệm online, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,95 điểm % từ 6,85%/năm lên 7,8%/năm. Tại kỳ hạn 9 tháng, lãi suất tăng thêm 1 điểm % từ 7%/năm lên 8%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng thêm 0,9 điểm % lên 8,2%/năm.
Mức lãi suất tiết kiệm online cao nhất hiện đang áp dụng tại ngân hàng là 8,9%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng, tăng 1,35 điểm % so với con số trước đó là 7,55%/năm. Các sản phẩm như chứng chỉ tiền gửi và hình thức gửi tiết kiệm tại quầy cũng được SCB điều chỉnh tăng lên khoảng 1 điểm %.
Ngày 7/10 Techcombank cũng có sự điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng kịch trần ở mức 5%/năm. Tại kỳ hạn 6 tháng lãi suất tối đa ở mức 7,2%/năm, lãi suất tại kỳ hạn tháng niêm yết tối đa ở mức 7,5%/năm tại kỳ hạn 12 tháng.
Theo ghi nhận của VnBusiness, thông thường, các ngân hàng thường chỉ áp dụng mức lãi suất cao đối với các khoản tiền gửi lớn, từ hàng trăm tỷ đồng trở lên. Nhưng nay, đã có hiện tượng lãi suất cao như vậy áp luôn cho các khoản tiền gửi nhỏ. Ví dụ, tại Ngân hàng Bản Việt chỉ với mức tiền gửi từ 10 triệu đồng, khách hàng đã được hưởng mức lãi suất lên tới 8,4%/năm.
Lãi suất tăng khiến không chỉ người vay mà người gửi tiền cũng chóng mặt. Chị Hoài An (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết trong tuần qua, chị được nhân viên của ba ngân hàng gửi thông báo tăng lãi suất huy động. "Tôi phân vân không biết chọn gửi ngân hàng nào vì chỉ trong vài ngày mà có ngân hàng đã tăng lãi suất huy động đến hai lần. Đếm sơ sơ đã có hơn năm ngân hàng áp dụng lãi suất 8 - 8,5%/năm", chị Hoài An. chia sẻ.
Tình trạng "rượt đuổi" lẫn nhau dẫn đến có ngân hàng trong 10 ngày tăng lãi suất hai lần. Điển hình tại VPBank thông báo áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày 6/10 với điều chỉnh tăng 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn.
Trước đó, VPBank đã thông báo điều chỉnh tăng lãi suất huy động áp dụng từ ngày 24/9 tăng từ 0,5 - 1 điểm % tại một số kỳ hạn.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại đã quay về giai đoạn trước COVID -19 và áp lực vẫn còn tương đối lớn, khi chênh lệch huy động – tín dụng chưa được cải thiện nhiều. Do đó, giới phân tích cho rằng, lãi suất sẽ phải tăng tiếp trong tháng tới.
"Nhìn mặt bằng chung, các ngân hàng đều đang đẩy lãi suất đầu vào nhằm hút tiền trong dân. Do đó, để đảm bảo hoạt động của ngân hàng và phù hợp với tình hình biến động chung trên thị trường, dường như không có ngân hàng nào đứng ngoài cuộc", một chuyên gia cho hay.
Thanh Hoa