Cụ thể, Agribank tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn 1-2 tháng lên mức 4,1%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng là 4,4%/năm. Các mức lãi suất này đã tăng khoảng 1%/năm so với trước đó. Tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, Agribank cũng nâng mạnh lãi suất lên mức 6,4%/năm, tăng 0,8%/năm. Tiền gửi không kỳ hạn cũng được nâng thêm 0,3%/năm.
Tương tự, tại Vietcombank, kỳ hạn 1 – 2 tháng ở mức 4,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 4,4%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,4%/năm.
Đối với tiền gửi trực tuyến, mức lãi suất nhận được sẽ cao hơn từ 1 – 1,3%/năm so với trước đó. Điển hình, kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,6%/năm; kỳ hạn 3 tháng áp sát mức trần cho phép là 4,9%/năm. Kỳ hạn 6 – 9 tháng lần lượt là 5,3 – 5,4%/năm. Tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, ngân hàng áp dụng mức lãi suất lên tới 6,8%/năm.
Từ ngày 27/9, VietinBank áp dụng biểu lãi suất mới dành cho kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 12 tháng trở lên. |
VietinBank cũng chính thức áp dụng biểu lãi suất mới, với lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn dưới 6 tháng là 4,4%/năm; 6,4%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Như vậy, với mặt bằng lãi suất huy động rất thấp và duy trì thời gian dài trước đây thì đến thời điểm này, các ngân hàng lớn lại có mức tăng lãi suất lớn nhất với mức tăng cao nhất lên tới 1,3%/năm. Với thị phần huy động vốn chiếm tới 45% thị trường, động thái tăng mạnh lãi suất của nhóm Big4 dự kiến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mặt bằng lãi suất huy động toàn hệ thống.
Trước đó, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành từ ngày 23/9, hàng loạt ngân hàng tư nhân đã đồng loạt tăng mạnh lãi suất huy động, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn. Tính đến thời điểm này, đã có khoảng trên dưới 10 ngân hàng áp dụng mức lãi suất tiền gửi 6 tháng ở mức trần quanh 5%/năm.
Tuy nhiên, đối với kỳ hạn trung và dài hạn, mức tăng của các ngân hàng này hạn chế hơn, chỉ khoảng trên dưới 0,5%/năm, do trước đó đã có nhiều đợt tăng lãi suất lẻ tẻ. Hiện, lãi suất tiền gửi cao nhất tại các nhà băng nhỏ đã lên tới 7,5 – 7,7%/năm, áp dụng đối với các kỳ hạn 24 – 36 tháng. Đối với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất trên 7%/năm đã tương đối phổ biến.
Trước đó tại họp báo quý III do NHNN tổ chức, bà Phùng Thị Hải Yến – Phó Tổng Giám đốc VietcomBank cho biết, quyết định của NHNN ở thời điểm này rất phù hợp, phản ánh đúng với diễn biến thị trường và chính sách điều hành lãi suất của NHNN.
Ngay sau khi nhận được quyết định điều chỉnh lãi suất của NHNN, Vietcombank triển khai ngay các giải pháp để thực hiện rà soát các loại lãi suất huy động vốn, để đảm bảo chính sách lãi suất của Vietcombank phù hợp chính sách của NHNN, phù hợp với diễn biến thị trường và kế hoạch kinh doanh của Vietcombank. Từ đó, đảm bảo nguồn vốn để cung ứng cho hoạt động tín dụng, phát triển nền kinh tế.
Mặc dù tăng trần lãi suất huy động, song bà Yến khẳng định, từ đầu năm đến nay và tiếp tục thời gian tới, Vietcombank vẫn tiếp tục triển khai đồng loạt các giải pháp để hỗ trợ cho việc bình ổn lãi suất cho vay.
Với biến động của thị trường trong việc rà soát lãi suất huy động, Vietcombank cam kết ổn định lãi suất cho vay bằng nhiều giải pháp, ví dụ đưa hàng hoạt dịch vụ lên kênh số nhằm tiết kiệm chi phí cho người dân, ngân hàng. Đồng thời, triển khai cắt giảm chi phí hoạt động và cơ cấu nguồn vốn huy động tối ưu nhất để giữ được biên sinh lời cho hoạt động kinh doanh, đảm bảo cho kế hoạch kinh doanh năm 2022.
Thanh Hoa