Theo dự báo của chuyên gia, "cơn sốt" lãi suất tiết kiệm sẽ còn kéo dài từ nay cho đến hết năm 2022 và kéo dài đến cuối năm 2023. Mặt bằng lãi suất cho vay có thể tăng khoảng 1-1,5% từ nay đến cuối năm 2022.
Lãi suất tăng "nóng"
Lãi suất huy động tiếp tục tăng trong thời gian tới là dự báo chung của nhiều công ty chứng khoán. Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm có thể tăng thêm 0,3-0,5 điểm phần trăm trong nửa cuối năm nay. Còn Công ty Chứng khoán Vietcombank dự báo cả năm lãi suất sẽ tăng thêm 1-1,5% điểm phần trăm.
Còn theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 6, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại các ngân hàng thương mại ở mức 3,3-3,6%/năm, tăng 0,1 điểm % so với cuối năm 2021. Tương tự, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng đạt 5,1-5,9%/năm, tăng 0,2 điểm %; kỳ hạn trên 12 tháng đến 24 tháng phổ biến ở mức 5,4-6,6%/năm, tăng 0,1 điểm % và tiền gửi kỳ hạn trên 24 tháng là 6,3-6,7%/năm, tăng 0,2 điểm %.
Xu hướng tăng lãi suất huy động sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới |
Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác của Quốc hội, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng được đảm bảo.
Trong bối cảnh chịu áp lực lớn từ việc tăng mạnh lãi suất của các nước trên thế giới, mặt bằng lãi suất cho vay trong nước chỉ tăng tương đối nhẹ do nhu cầu tín dụng tăng cao nhằm đáp ứng quá trình phục hồi.
Dù vậy, trong thời gian tới, những khó khăn đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có chính sách lãi suất đã hiện rõ.
"Với vấn đề lãi suất, nếu giảm lãi suất hoặc giữ mặt bằng lãi suất ổn định trong khi lãi suất thế giới cao thì nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch về nơi lãi suất cao, khi đó sẽ áp lực đến tỷ giá, đồng VND sẽ mất giá...", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.
Chuẩn bị cho việc nới room
Trao đổi với VnBusiness, giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cổ phần lớn tại Hà Nội cho rằng, lãi suất huy động có xu hướng tăng trong thời gian qua chủ yếu là do 2 yếu tố: Sự phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch và những tác động của lạm phát.
Mặc dù, thị trường đang phát đi những tín hiệu tích cực hơn đối với lãi suất như áp lực lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt khi giá xăng dầu đang giảm nhanh trở lại, tăng trưởng kinh tế năm 2022 vẫn tích cực… Nhưng yếu tố tạo áp lực tăng vẫn nhiều hơn.
Thị trường dự báo tới đây hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn, vì thế nhu cầu vốn sẽ nhiều lên. Do vậy các ngân hàng liên tục chạy đua lãi suất huy động, để thu hút được dòng vốn nhàn rỗi trên thị trường. Chưa kể cuối năm hoặc đầu năm sau có khả năng kênh bất động sản ấm lại, khi đó ngân hàng phải cạnh tranh thu hút vốn với kênh này và kênh chứng khoán.
Vấn đề nữa là chênh lệch huy động vốn - tín dụng đang xu hướng mở rộng nên không dễ được cải thiện trong ngắn hạn. Câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là dấu hiệu cho một cuộc đua tăng lãi suất trong thời gian tới?
Lãnh đạo một số ngân hàng cùng cho rằng xu hướng tăng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhưng sẽ khó tăng cao do còn liên quan đến hạn mức tăng tín dụng được cấp cũng như tỉ lệ lạm phát.
“Hiện room tín dụng với bất động sản, chứng khoán được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ nên khó có khả năng lãi suất sẽ "bùng" lên mạnh”, lãnh đạo một ngân hàng nói. Đồng thời cho biết, tại ngân hàng này ngay từ đầu tháng 8 tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dài để chuẩn bị nguồn vốn cho vay ngay trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng vào cuối năm. Đồng thời, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng khoảng 9,4% nhưng tăng trưởng huy động vốn chỉ khoảng 4,51% - tốc độ huy động vốn khá thấp nên lãi suất huy động đẩy lên để kích thích người gửi tiền, bảo đảm thanh khoản dồi dào.
Cho rằng lãi suất "tăng nóng" tại các ngân hàng thương mại có thể diễn ra mạnh từ nay cho tới cuối năm và kéo dài sang năm 2023, song theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Ngân hàng Nhà nước nên giữ nguyên chính sách điều hành như hiện tại ít nhất đến hết quý III/2022.
Phải sau 9 tháng, khi bức tranh về tỷ giá, lạm phát, động thái của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rõ ràng hơn, Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra quyết sách mới về chính sách tiền tệ nói chung và lãi suất nói riêng, trong quý IV/2022.
Huyền Anh