Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong năm nay có đến 76,74% tổ chức tín dụng (TCTD) dự kiến sẽ tăng lao động, 18,61% giữ nguyên và chỉ có 4,65% cắt giảm.
Xét về tổng thể, nhân sự ngành ngân hàng trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng nhanh. Thống kê cho thấy, trong năm 2018 có đến 70,93% TCTD cho biết đã tăng thêm lao động so với năm 2017, 20,93% giữ nguyên và 8,14% cắt giảm.
Quy mô nhân sự tăng
Đa số các ngân hàng đều bổ sung lao động để bù đắp vào lượng nhân sự nghỉ việc hoặc để mở rộng mạng lưới kinh doanh, thậm chí nhiều nhà băng tăng thêm hàng nghìn nhân viên. Chẳng hạn, hiện tại, nhân sự của VPBank đạt khoảng 26.000 người, tăng 2.200 người so với đầu năm 2018; BIDV gần 26.000 người, tăng hơn 600 người…
Trong khi đó, một số ngân hàng vẫn ghi nhận số lượng nhân viên tăng thêm không nhiều. Chẳng hạn như Vietcombank năm 2018 tuyển mới hơn 1.000 cán bộ nhân viên nhưng cả năm cũng chỉ tăng khoảng 100 người. Trước đó, hồi cuối tháng 6/2018, số nhân viên của ngân hàng này giảm mạnh tới 220 người.
Một số ngân hàng dù thực hiện tuyển dụng, nhưng đến cuối năm số lượng lao động lại sụt giảm như: TPBank, PGBank, Saigonbank, Eximbank, tuy nhiên mức giảm không đáng kể, chỉ khoảng vài chục người so với hồi đầu năm 2018.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do đặc thù về tính chất công việc của ngành ngân hàng đòi hỏi nhiều kỹ năng giao tiếp, áp lực chỉ tiêu cao và cường độ công việc lớn, nên tỷ lệ nhân viên trụ lại được được sau thời gian thử việc là rất thấp. Vì vậy, ngành ngân hàng luôn trong tình trạng "khát" nhân sự.
Khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê mới đây cho biết, các TCTD nhận định tình hình lao động và việc làm trong ngành ngân hàng tiếp tục chuyển biến tích cực với 76,74% TCTD dự kiến sẽ tăng lao động trong năm 2019.
Nhiều ngân hàng cho biết sẽ bắt đầu tuyển dụng ngay trong quý I/2019 nhằm kịp thời bổ sung nguồn nhân lực cho kế hoạch kinh doanh mới năm nay. "Trong năm nay, hầu hết các ngân hàng đều có chiến lược dịch chuyển hoạt động kinh doanh sang mảng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng. Thêm vào đó, nhiều ngân hàng bên cạnh việc tuyển nhân sự cho các vị trí chính thức còn kết hợp tuyển thêm lượng lớn cộng tác viên để nhanh chóng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần…", giám đốc nhân sự một ngân hàng thương mại cho hay.
Nhiều ngân hàng tăng tuyển dụng nhân lực trong năm 2018 và 2019 |
Lo ngại rủi ro
Theo chia sẻ của đại diện công ty tuyển dụng Vietnam Works, vài năm vừa qua, tài chính – ngân hàng là ngành có biến động nhân sự rất lớn cả ở cấp nhân viên và cán bộ quản lý. Ngoài nguyên nhân về đặc thù công việc, còn do thời gian gần đây, những vụ đại án, vụ kiện tụng liên tục diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng đã phần nào khiến những nhân sự làm ở vị trí "chủ chốt" lo ngại về rủi ro trong nghề nghiệp nên bỏ nghề.
Thực tế từ các vụ đại án ngân hàng đã và đang được xét xử gần đây cho thấy, nhiều nhân viên ngân hàng đã phải chịu hậu quả pháp lý nặng nề do tin tưởng, làm theo lệnh cấp trên mà bỏ qua các nguyên tắc, quy trình, thủ tục.
Chẳng hạn như trong vụ việc khách hàng mất 245 tỷ đồng tiền tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh Tp.HCM, tòa sơ thẩm ngày 23/11/2018 đã tuyên phạt bị cáo Hồ Ngọc Thủy 4 năm 6 tháng tù và 5 bị cáo còn lại nhận mức án 2 – 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, gồm: Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trần Nguyễn Xuân Lan, Nguyễn Thị Thi, Cao Lan Phương và Lương Quốc Anh.
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, chủ một doanh nghiệp kinh doanh hàng nhập khẩu tại Hà Nội, chia sẻ đã từng hơn 10 năm gắn bó với lĩnh vực ngân hàng, đã vươn tới vị trí trưởng phòng tín dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần, anh vẫn quyết tâm "dứt áo" ra đi do không chịu được áp lực về trách nhiệm và những rủi ro luôn rình rập.
"Gần một năm nay, lấy lý do nhà có việc bận, tôi xin nghỉ không lương, nhưng thực chất là về mở công ty. Hiện nay, công việc kinh doanh cũng khá thuận lợi, sau Tết Nguyên đán, tôi sẽ chính thức xin nghỉ, bởi lo sợ trong hoạt động tín dụng ngân hàng, rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào, nếu không làm theo lệnh cấp trên thì có thể bị thuyên chuyển công tác hoặc sa thải, còn cứ "nhắm mắt" làm theo là "bút sa, gà chết", anh Tuấn nói.
Dù có nhiều rủi ro và trách nhiệm cao, nhưng một số công ty tuyển dụng lao động đánh giá ngành ngân hàng vẫn là địa chỉ hấp dẫn nguồn nhân lực lớn trong thời gian tới vì có mức đãi ngộ cao.
Hoàng Hà