Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, lượng kiều hối dịp cuối năm được chuyển về nhiều là nhờ chính sách vĩ mô ổn định; Pháp lệnh Ngoại hối được sửa đổi theo hướng quản lý ngoại hối chặt chẽ, thu hút được kiều bào ở nước ngoài.
Các giải pháp mở rộng mạng lưới chuyển tiền và chi trả kiều hối được thực hiện qua các kênh hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức kinh tế, hải quan, bưu điện… tạo thuận lợi cho hoạt động gửi tiền về nước của người Việt Nam ở nước ngoài.
Xung lực từ kiều hối
Theo đánh giá của các chuyên gia, trước áp lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và đồng USD tiếp tục lên giá, nhưng nguồn kiều hối vẫn chảy mạnh về Việt Nam thời gian qua, đóng góp không nhỏ cho việc tăng dự trữ ngoại hối.
NHNN chưa đưa ra con số cụ thể về lượng dự trữ ngoại hối, nhưng Thống đốc Lê Minh Hưng mới đây tiết lộ rằng, tính riêng trong năm 2018, NHNN đã mua ròng trên 6 tỷ USD. Như vậy, dự trữ ngoại hối đến hết năm 2018 ước đạt khoảng 65 tỷ USD.
Ts. Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, phân tích: kiều hối khi về Việt Nam không thể chuyển ngay vào trong dự trữ ngoại hối mà chuyển hóa qua nhiều cách. Ví dụ, người dân nhận kiều hối bán đi ngoại tệ đó lấy VND. Ngân hàng thương mại mua vào cũng cho vay, cho mượn ngoại tệ không nhiều. Hơn nữa, quy định về trạng thái ngoại tệ nếu vượt thì ngân hàng thương mại (NHTM) phải bán cho NHNN lấy VND và đó là hình thức làm tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Lãnh đạo một số NHTM cho biết giao dịch kiều hối những ngày sát Tết rất sôi động. Giám đốc một chi nhánh giao dịch của Vietcombank chia sẻ: “Gần một tháng nay, lượng khách đến giao dịch chi trả ngoại tệ từ nước ngoài gửi về tăng mạnh. Trong đó có đến 60% khách hàng đổi ngoại tệ sang VND gửi tiết kiệm để được hưởng nhiều ưu đãi khuyến mại, cùng với lãi suất 7 – 8%/ năm thay vì gửi bằng USD lãi suất 0%”.
Theo báo cáo của NHNN chi nhánh Hải Phòng, trong tháng 12/2018, số ngoại tệ nhân thân người Việt Nam chuyển về qua các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn thành phố đạt 19,6 triệu USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2018, tổng số ngoại tệ chuyển về qua các ngân hàng trên địa bàn là 287,2 triệu USD, tăng 61 triệu USD.
Trong khi đó, NHNN chi nhánh Tp.HCM cho biết, kiều hối chuyển về Tp.HCM có mức tăng bình quân trên dưới 10%/ năm. Dự kiến, năm 2018, kiều hối đạt 5 tỷ USD.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài đóng góp kiều hối của hơn 4,5 triệu kiều bào trên toàn thế giới và thị trường xuất khẩu lao động, những thương vụ lớn từ nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng đang giúp nguồn ngoại tệ tăng trưởng mạnh trong thời gian qua và sẽ tiếp tục là phân khúc thúc đẩy kiều hối tăng trưởng trong thời gian tới.
Giao dịch chi trả kiều hối trong tháng 1 và 2/2019 chắc chắn sẽ tăng mạnh nhờ dịp Tết Kỷ Hợi |
Nguồn cung ngoại tệ dồi dào
Điển hình như việc hai “ông lớn” ngành ngân hàng là Vietcombank và BIDV đang hoàn tất kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, Vietcombank đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận và phát hành riêng lẻ thành công 111.108.873 cổ phiếu mới cho GIC Private Limited – quỹ đầu tư quốc gia của Singapore và Mizuho Bank Ltd – một trong những định chế tài chính lớn nhất của Nhật Bản, thu về khoảng 6,2 tỷ đồng (tương đương khoảng 265 triệu USD). Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bán 15% vốn điều lệ sau phát hành cho đối tác là Ngân hàng Hana của Hàn Quốc.
Trước nguồn cung ngoại tệ dồi dào, một số ngân hàng thương mại đồng loạt hủy đăng ký mua ngoại tệ kỳ hạn giao cuối cùng là ngày 31/1/2019 với NHNN.
Cụ thể, cuối tháng 11/2018, sau những biến động tỷ giá tăng mạnh và động thái tăng lãi suất USD ít nhất 2 lần nữa trong năm 2019 của Fed, để ổn định thị trường, NHNN đã “lên lịch” bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm và có nhu cầu mua ngoại tệ từ cơ quan này.
Một số ngân hàng thương mại lo ngại sự thiếu hụt nguồn cung trong tương lai nên đã đăng ký mua ngoại tệ với NHNN, tỷ giá bán kỳ hạn là 23.462 đồng/USD, quy mô đặt mua lên tới trên 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, gần đây, nguồn cung dồi dào, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt nhanh. Cụ thể, trong phiên giao dịch sáng 14/1, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm VND/USD ở mức 22.837 đồng/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, Techcombank niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.135 – 23.245 đồng/USD, Vietcombank: 23.155-23.245 đồng/ USD, VietinBank: 23.150- 23.240 đồng/USD, BIDV: 23.155-23.245 đồng/USD.
Như vậy, so với tỷ giá bán kỳ hạn sẽ được NHNN giao cho các ngân hàng thương mại vào cuối tháng 1 thấp hơn, vì vậy, các thành viên đã thực hiện hủy đăng ký.
Hoàng Hà