Hoạt động của ngành ngân hàng năm nay được đánh giá còn nhiều thách thức, nhất là khi chính sách tín dụng còn thắt chặt, tỷ giá sẽ còn nhiều biến động, nhưng đánh giá về triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2019, các chuyên gia cho rằng các ngân hàng đã có thế mạnh về hoạt động cho vay cũng như huy động vốn và biết nắm bắt cơ hội thì lợi nhuận thu về vẫn có thể cao và chủ yếu đến từ lãi cho vay.
Nhu cầu vay vốn tăng
Vụ Dự báo thống kê (NHNN) vừa công bố kết quả đánh giá của các tổ chức tín dụng (TCTD) về hoạt động kinh doanh năm 2019. Theo đó, có khoảng 88% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2018, trong đó có khoảng 35% TCTD dự báo tình hình kinh doanh sẽ "cải thiện nhiều".
Đặc biệt, trong năm 2019, nhu cầu vay vốn tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng cao nhất. Dự báo trong năm 2019, 77,6% TCTD kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng tăng so với năm 2018, trong đó nhu cầu vay vốn được đa số các TCTD kỳ vọng tăng mạnh (80,7% TCTD), tiếp đến là nhu cầu gửi tiền, dịch vụ thanh toán với mức kỳ vọng lần lượt là 66% và 64%.
Ngoài ra, đa số các TCTD thanh khoản của hệ thống ngân hàng cả năm 2019 tiếp tục diễn biến khả quan đối với cả VND và ngoại tệ. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng có xu hướng giảm. Mặt bằng lãi suất tiền gửi – cho vay tiếp tục duy trì xu hướng ổn định trong năm 2019.
Về khả năng huy động vốn trong năm 2019, các TCTD kỳ vọng huy động vốn tăng trưởng bình quân 13,9%, trong đó tốc độ tăng trưởng huy động vốn VND tăng nhanh hơn so với huy động vốn ngoại tệ.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, những nhận định về tăng trưởng nhu cầu vốn của nền kinh tế hoàn toàn có cơ sở. Thời gian qua, môi trường kinh doanh của nước ta đã có những cải thiện rõ rệt, thông qua việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng cao, các Hiệp định thế hệ mới có hiệu lực… sẽ tạo đà cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều đó đồng nghĩa với việc nhu cầu vốn sẽ tăng.
Dự báo về tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2019, các TCTD kỳ vọng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng bình quân 15,27% tính đến cuối năm 2019, trong đó tín dụng VND luôn được kỳ vọng tăng trưởng nhanh hơn so với tín dụng ngoại tệ.
Bình luận về đánh giá này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 là 14%, thấp hơn kỳ vọng của các TCTD và đưa ra yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng.
Năm 2019, khoảng 88% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2018, trong đó có khoảng 35% TCTD dự báo tình hình kinh doanh sẽ "cải thiện nhiều" |
Tăng trưởng tín dụng khoảng 15,27%
Các ngân hàng thương mại sẽ phải siết chặt cho vay đối với những lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán… Điều này sẽ "nắn" dòng vốn chảy vào sản xuất kinh doanh, góp phần tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho nền kinh tế.
Vì vậy, chuyên gia ngành ngân hàng, Ts. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng muốn tăng tín dụng, các ngân hàng buộc phải tăng vốn, nếu không sẽ bị siết lại đảm bảo tổng tín dụng chỉ ở mức 14-15%.
Do đó, các chuyên gia này đánh giá trong năm 2019, để đạt được mức tăng trưởng tín dụng như kỳ vọng, các ngân hàng cũng đang gấp rút hoàn thành kế hoạch tăng vốn và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn.
LienVietPostBank sẽ phát hành 37,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn lên 9.875 tỷ đồng. Ngân hàng SeABank cũng vừa công bố việc tăng vốn điều lệ lên 7.688 tỷ đồng thông qua ba đợt phát hành với hơn 222,2 triệu cổ phiếu, trong đó bao gồm phát hành cho cán bộ nhân viên, phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán cho các cổ đông hiện hữu. Còn BIDV công bố đã tìm được nhà đầu tư chiến lược ngoại…
Như vậy, có thể thấy, trong năm 2019 nhiều ngân hàng đã tìm thấy "cửa sáng" trước áp lực tăng vốn đang cận kề.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực khuyến cáo những ngân hàng chọn phương án phát hành trái phiếu để tăng vốn điều lệ cần chọn thời điểm phù hợp, đồng thời chuẩn bị kỹ phương án, đợi thời điểm thuận lợi mới tiến hành phát hành trái phiếu mới.
Rõ ràng việc kỳ vọng vào tăng trưởng tín dụng cao hơn mức mục tiêu của NHNN sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của các nhà băng khi mà tín dụng hiện vẫn chiếm tới 70%, thậm chí là 80% tổng nguồn thu của họ.
Dự báo trong năm 2019, khoảng 88% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2018, trong đó có khoảng 35% TCTD dự báo tình hình kinh doanh sẽ "cải thiện nhiều".
Huyền Anh