Các ngân hàng đang đẩy mạnh phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. (Ảnh: Int) |
Trong báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa công bố, CTCP Chứng khoán SSI cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, các ngân hàng VietinBank, BIDV, SeABank, ACB và TPBank đã phát hành hơn 36.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn hơn 5 năm để tăng vốn cấp 2 - cao hơn 5% tổng lượng phát hành trái phiếu cấp 2 của cả năm 2019 và chiếm 37,7% tổng lượng trái phiếu ngân hàng phát hành trong 9 tháng năm nay.
Áp lực cải thiện tỷ lệ an toàn vốn
Mục tiêu Chính phủ đề ra cho các ngân hàng cổ phần là đến cuối năm 2020 cơ bản đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo chuẩn mực quy định của Basel II (Thông tư 41/2016/TT-NHNN), trong đó tối thiểu 12-15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên.
Đến cuối năm 2025, tất cả các ngân hàng áp dụng Basel II tiêu chuẩn, thí điểm áp dụng Basel II nâng cao tại các ngân hàng có vốn nhà nước và ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt.
Theo tiêu chuẩn Basel II, tỷ lệ CAR cần đạt mức tối thiểu 8%, giảm 1% về mặt số học so với chuẩn Basel I, nhưng việc tính toán lại phức tạp hơn.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, CAR của nhóm các ngân hàng thương mại áp dụng theo Basel II tại cuối tháng 8 là 11,67% - tăng so với mức 11,13% vào tháng 1/2020; trong đó nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 9,71%, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần là 10,75%.
Với con số trên, các ngân hàng đang ở sát ngưỡng tối thiểu. Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng đều hướng tới mở rộng thị phần thời gian tới, thậm chí các ngân hàng có vốn nhà nước còn có kế hoạch vươn tầm ra khu vực. Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu, bắt buộc các nhà băng phải nâng cao tỷ lệ CAR.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu không tăng đủ vốn, các ngân hàng dự kiến sẽ phải dừng tăng trưởng tín dụng, thậm chí là giảm dư nợ cho vay để đảm bảo an toàn trong hoạt động theo quy định.
Ngược lại, khi tỷ lệ CAR được đảm bảo, ngân hàng sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với bình quân ngành, cơ hội mở rộng thị phần từ đó cũng mở ra.
Chính vì vậy, hiện nay dù thanh khoản ngân hàng đang ở trạng thái dư thừa, hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn, nhưng các ngân hàng đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu để gia tăng thêm nguồn vốn trung và dài hạn và tiếp tục nâng cao tỷ lệ CAR.
Thiếu vốn trung và dài hạn
Thực tế hoạt động của các ngân hàng cũng cho thấy, dư nợ tín dụng đang có sự gia tăng cho vay trung và dài hạn.
Quy mô phát hành trái phiếu của hệ thống ngân hàng trong 9 tháng đầu năm. (Nguồn: SSI) |
Theo số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội, về hoạt động tín dụng, tính đến hết tháng 10/2020, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 2.261 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ và tăng 7% so với thời điểm cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 899 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 1,4% và 9,8%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.362 nghìn tỷ đồng, tăng 1% và 5,3%.
Báo cáo tài chính quý III của một số ngân hàng cũng cho thấy, dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm tỷ trọng cao hơn so với cho vay ngắn hạn. Chẳng hạn, tại Techcombank, tính đến hết tháng 9, dư nợ cho vay trung hạn đạt hơn 57.229 tỷ đồng, chiếm 24,81% tổng số vốn cho vay; dư nợ cho vay dài hạn 93.471 tỷ đồng, chiếm 40,51%.
Tương tự, tại TPBank, tính đến hết tháng 9/2020, dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt hơn 77.422 tỷ đồng, trong khi cho vay ngắn hạn chỉ là hơn 32.917 tỷ đồng. Tại VPBank, dư nợ cho vay trung - dài hạn đạt hơn 182.257 tỷ đồng, cho vay ngắn hạn là hơn 95.767 tỷ đồng.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, do dịch bệnh bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến huy động vốn của các ngân hàng. Báo cáo tài chính quý III/2020 cho thấy, tỷ lệ huy động vốn ở nhiều ngân hàng sụt giảm. Đơn cử như tại MB, tiền gửi của khách hàng sụt giảm 1,1% so với cùng kỳ, đạt 269.000 tỷ đồng, với tiền gửi không kỳ hạn bằng VND sụt giảm mạnh nhất (2,3%) về mức hơn 73.000 tỷ đồng, trong khi tiền gửi kỳ hạn bằng VND chỉ giảm 0,2% về mức hơn 163.000 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân các ngân hàng vẫn tích cực phát hành trái phiếu huy động vốn bất chấp hoạt động cho vay trì trệ và thanh khoản dư thừa, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc huy động vốn mà chỉ trông chờ vào tiền gửi của khách hàng (chủ yếu là vốn ngắn hạn) dễ dẫn tới tình trạng ngân hàng mất thanh khoản, nên việc phát hành trái phiếu trung, dài hạn là nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của nhà băng trong thời gian tới.
Dưới góc độ quản trị, lãnh đạo các ngân hàng cũng thừa nhận, việc phát hành trái phiếu là một biện pháp cần thiết để củng cố "tấm đệm vốn" và phục vụ cho nhu cầu hoạt động kinh doanh.
Mặt khác, việc đua phát hành trái phiếu huy động vốn từ đầu năm đến nay của ngân hàng được cho là nhằm huy động vốn để mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành trước đây, tái cơ cấu lại lãi suất. Vì trái phiếu phát hành trước đây lãi suất cao hơn hiện nay.
Điển hình như, BIDV cho biết trong tháng 11 và tháng 12 tới sẽ thực hiện quyền mua lại các trái phiếu BIDV với tổng giá trị gần 14.000 tỷ đồng.
Lượng trái phiếu này chủ yếu được BIDV phát hành vào năm 2019 (gần 8.400 tỷ đồng), cùng với 1 lô 3.000 tỷ đồng phát hành năm 2018 và 1 lô 2.500 tỷ đồng phát hành năm 2015.
Trước đó, cuối tháng 7, BIDV cũng đã thực hiện mua lại 3.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm phát hành năm 2015. Sang tháng 8, BIDV hoàn tất mua lại 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm được phát hành vào năm 2018.
Thanh Hoa