Theo các chuyên gia, thực hiện chính sách mới của Bộ Tài chính, nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ phải kết chuyển về tài khoản tổng để tại Sở Giao dịch - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thay vì đọng lại tại các ngân hàng thương mại như trước. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn ở nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh trong thời gian qua.
Tỷ lệ CASA giảm mạnh
Báo cáo tài chính của Vietcombank cho thấy quy mô tiền gửi thanh toán của KBNN tại ngân hàng đã giảm từ mức hơn 87.095 tỷ đồng cuối năm 2018 xuống còn hơn 74.582 tỷ đồng vào thời điểm 30/9/2019.
Đáng chú ý, tiền gửi không kỳ hạn (nguồn vốn có chi phí thấp với lãi suất chỉ 0,2%/năm), sụt giảm rất mạnh, từ 31.095 tỷ đồng (gồm cả ngoại tệ quy đổi) cuối năm 2018 xuống chỉ còn 5.333 tỷ đồng.
Tại BIDV, tiền gửi của KBNN chỉ giảm nhẹ từ 69.896 tỷ đồng cuối năm 2018 xuống còn 67.892 tỷ đồng vào 30/9/2019, nhưng đặc biệt giảm mạnh ở tiền gửi thanh toán từ 18.896 tỷ đồng xuống chỉ còn 4.642 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại BIDV, kỳ báo cáo này còn ghi nhận nguồn tiền gửi của Bộ Tài chính cũng giảm mạnh, từ hơn 24.163 tỷ đồng cuối năm 2018 xuống còn hơn 15.662 tỷ đồng.
Như vậy, tại cả Vietcombank và BIDV, nguồn tiền gửi lớn của KBNN ở loại tiền gửi không kỳ hạn có chi phí huy động thấp nhất đều cùng giảm rất mạnh, số dư còn lại ở mức thấp.
Diễn biến này có thể cũng xảy ra tại VietinBank và Agribank trong báo cáo tài chính công bố tới đây.
Tương tự, tại MB, huy động tiền gửi khách hàng tăng 5,9% đạt 254.130 tỷ đồng. Đáng chú ý, nguồn tiền gửi “giá rẻ” tại MBBank sụt giảm rõ rệt. Cuối tháng 9, tiền gửi không kỳ hạn tại MBBank là 70.709 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Tiền gửi vốn chuyên dùng cũng giảm hơn một nửa xuống còn 2.194 tỷ đồng. Tiền gửi ký quỹ giảm 22% xuống 12.134 tỷ đồng. Theo đó, ước tính tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (CASA) của ngân hàng giảm từ mức 41% hồi đầu năm xuống còn 33% cuối tháng 9.
Số liệu cho thấy tỷ lệ CASA trên thị trường ngân hàng tăng khoảng 7%, nhưng CASA tại một số ngân hàng gần đây có dấu hiệu sụt giảm mạnh.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại nhiều ngân hàng giảm rõ rệt |
Cạnh tranh ngày càng gay gắt
Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) về CASA, từ năm 2018, các quy định chặt chẽ hơn về vốn (Basel II, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn) đã khiến việc mở rộng biên lãi ròng của các ngân hàng trở nên khó khăn.
Về nguồn vốn đầu vào, các ngân hàng phải cạnh tranh huy động bằng việc nâng lãi suất tiền gửi khách hàng cũng như đẩy mạnh phát hành trái phiếu dài hạn.
Để kiểm soát cho phí vốn, gần đây, các ngân hàng đã đẩy mạnh việc duy trì tỷ lệ CASA. Theo báo cáo của NHNN, hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,2-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng.
Thực tế, khảo sát tại các ngân hàng thương mại cho thấy lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở mức 0,1-0,2%/năm. Như vậy, nếu có thể duy trì được tăng trưởng CASA thì sẽ có khả năng bù đắp cho việc tăng chi phí từ huy động có kỳ hạn và phát hành trái phiếu.
VDSC nhận định BIDV, VPBank, MBBank là những ngân hàng có xu hướng CASA giảm khá rõ kể từ cuối năm 2017, cùng với đó chi phí vốn bình quân cũng đang có xu hướng tăng lên.
Theo phân tích của một chuyên gia, lâu nay nhóm ngân hàng có vốn nhà nước là “điểm dừng chân” của nguồn tiền gửi lớn từ KBNN. Do đó, khi Thông tư số 58 quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại NHNN và các ngân hàng thương mại do Bộ Tài chính vừa ban hành dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11 tới, toàn bộ nguồn tiền gửi thanh toán của KBNN hiện nay đang nằm tại các ngân hàng thương mại phải đổ về tài khoản tổng hợp của KBNN tại Trung ương và tài khoản này tập trung tại Sở Giao dịch - NHNN.
“Dù Thông tư chưa có hiệu lực, song các ngân hàng có thể đang thực hiện theo lộ trình, tránh giảm đột ngột sẽ tạo ra cú sốc cho ngân hàng. Vì vậy dẫn đến tiền gửi không kỳ hạn ở các ngân hàng này giảm mạnh trong thời gian qua”, chuyên gia này nói.
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần như Techcombank, PVcomBank…, việc cạnh tranh giảm giá dịch vụ, miễn phí dịch vụ giúp hút được lượng khách hàng mới tăng vọt. Vì vậy, ngân hàng nào có dịch vụ tốt sẽ tăng được lượng tiền gửi không kỳ hạn, ngân hàng nào có dịch vụ kém hấp dẫn sẽ bị giảm.
Trong một dự báo gần đây, VDSC cũng cho rằng những “ông lớn” như Vietcombank và MB sẽ vấp phải những cạnh tranh về CASA ngày càng lớn dần do nhiều ngân hàng tư nhân khác “chạy đua” khuyến mãi dịch vụ, miễn phí giao dịch thanh toán…
Hoàng Hà