VPBank sẽ không tập trung tối ưu hóa tỷ lệ thu nhập lãi thuần, thay vào đó sẽ tối ưu hóa chi phí để tăng lợi nhuận |
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mảng kinh doanh cốt lõi là tín dụng giảm mạnh, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng thay đổi kế hoạch kinh doanh để thoát "vòng xoáy" Covid.
Đột biến thu nhập ngoài lãi
Đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi đang được Sacombank ưu tiên. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc cho hay, tỷ trọng thu từ lãi của Sacombank là 66%, thu ngoài lãi là 34%. Tuy vậy, Ngân hàng đang có chiến lược nâng tỷ lệ thu nhập phi tín dụng lên 38%.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, Ngân hàng đang chuẩn bị sẵn sàng cho tăng trưởng sau dịch Covid-19. Lợi nhuận ngân hàng mẹ kỳ vọng tăng hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2020.
Theo đó, ngân hàng mẹ sẽ không tập trung tối ưu hóa tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), thay vào đó sẽ tối ưu hóa chi phí. Việc này được thực hiện từ quý I/2020, đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận 63%, đạt 2.314 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 cho thấy, lãi từ tất cả các hoạt động của VPBank đều cao hơn cùng kỳ năm trước, riêng lãi từ mua bán chứng khoán tăng hơn 4 lần.
Ngoài ra, VPBank sẽ thúc đẩy thu nhập ngoài lãi nhờ chiến lược ngân hàng giao dịch và tối ưu hóa chi phí. Lãnh đạo VPBank kỳ vọng thu nhập ngoài lãi sẽ tăng 30 - 40% trong cả năm 2020, nhờ chiến lược ngân hàng giao dịch.
“Áp dụng công nghệ, số hóa, tự động hóa sẽ là ưu tiên, thúc đẩy tăng trưởng của VPBank”, ông Nguyễn Đức Vinh chia sẻ.
Tương tự, lãnh đạo ACB cho biết, trong 5 tháng đầu năm, tín dụng tăng 4%, dù chỉ bằng nửa cùng kỳ năm ngoái (8%) song vẫn cao gấp đôi so với tăng trưởng bình quân toàn ngành. Nguồn thu từ phí giảm do miễn, giảm phí hỗ trợ khách hàng, nhưng sự sụt giảm này được bù đắp bởi doanh thu từ phân phối bảo hiểm (Bancassurance) và thẻ tăng mạnh.
Đẩy mạnh mua bán chứng khoán
Trong khi đó, nhiều ngân hàng tiết lộ, ngoài bảo hiểm và dịch vụ, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng đóng góp tỷ trọng không nhỏ vào tổng lợi nhuận của nhà băng.
Giải trình về biến động lợi nhuận với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, ông Lê Huy Dũng, quyền Tổng giám đốc VietBank cho biết, lợi nhuận sau thuế quý I/2020 tăng tới 134% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 183 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc tăng thu nhập tại nhiều khoản mục như hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư…
Tương tự, lợi nhuận quý I/2020 của SeABank cũng tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó hoạt động mua bán chứng khoán mang về khoản lãi đột biến tới gần 102 tỷ đồng so với mức chỉ hơn 3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lãi từ hoạt động khác cũng tăng vọt lên 159 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ ghi nhận lãi hơn 5 tỷ đồng.
Thực tế, trái phiếu và tín phiếu đều là các sản phẩm có nhiều biến động trong quý I vừa qua. Đơn cử với tín phiếu, từ tháng 2, Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu trong 6 tuần liên tiếp, đưa giá trị lượng chứng khoán nợ này lưu hành trên thị trường ở mức 147.000 tỷ đồng.
Trong quý I/2020, VIB đã mua vào gần 14.000 tỷ đồng tín phiếu, 18.593 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành, cùng trái phiếu Chính phủ và chứng khoán nợ khác. Trong khi đó, VPBank cũng mua hơn 9.038 tỷ đồng tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước.
Hoạt động đầu tư chứng khoán gồm rất nhiều các sản phẩm như trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá..., trong đó trái phiếu thường là loại hình đầu tư phổ biến nhất
Một chuyên gia cho hay, đầu tư chứng khoán không chỉ giúp ổn định thu nhập, mà các ngân hàng còn có thể mua và giữ lại để cân bằng rủi ro. Thêm nữa, chứng khoán đầu tư còn dễ dàng mua và bán, nên có thể đáp ứng nhu cầu thanh khoản kịp thời hoặc dùng cầm cố để vay vốn bổ sung.
Ngân hàng sẽ hưởng lãi định kỳ và và tất toán khoản đầu tư vào ngày đáo hạn hoặc khi chủ thể phát hành mua lại trái phiếu. Bên cạnh đó, tín phiếu cũng là một trong những loại hình được ngân hàng lựa chọn, do Ngân hàng Nhà nước phát hành, nên gần như không có rủi ro.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho hay, ngay khi nền kinh tế bị tác động bởi Covid-19, các ngân hàng đã nhanh chóng thay đổi danh mục tín dụng. Theo đó, thay vì tập trung vào mảng khách hàng cá nhân, bán lẻ, tín dụng tiêu dùng, tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa… như trước đây, nhiều ngân hàng đã chuyển hướng sang cho vay doanh nghiệp lớn, cho vay mua nhà, mua bán trái phiếu doanh nghiệp…
Thanh Hoa