Các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Trong văn bản chỉ đạo triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng và Agribank đẩy mạnh các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội phải khẩn trương hoàn thành phương án thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng...
Tăng sức mua
Trong bối cảnh Covid-19 đã quay trở lại, nguồn lực để ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng có giới hạn, bởi tiền ngân hàng cho doanh nghiệp vay cũng là tiền ngân hàng vay từ dân. Vì vậy, ngân hàng vẫn phải trả lãi.
Trên cơ sở tính toán và cân đối, ngân hàng sẽ đưa ra mức lãi vay hợp lý để vừa đảm bảo được khả năng trả nợ, vừa duy trì được hoạt động và phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra.
Do đó, với mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng và từ 3,7 - 7,3%/năm đối với các kỳ hạn từ 3 tháng đến trên 12 tháng, thì các ngân hàng đang áp dụng lãi vay phổ biến ở mức 6,0 - 9,0%/năm đối với ngắn hạn và 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 5,0%/năm.
Trong các cuộc đối thoại doanh nghiệp và ngân hàng, nhiều kiến nghị cho rằng mức lãi vay phải giảm 6%/năm thì mới có thể “cứu” được doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết dư địa để giảm lãi suất vay vẫn còn, song mức giảm sẽ không nhiều. Vì vậy, “cứu” doanh nghiệp bằng cách đẩy mạnh gói tín dụng tiêu dùng nhằm tăng sức mua chính là giải pháp lâu bền và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra là tăng sức mua bằng cách nào khi nhiều người giảm thu nhập, mất việc?
Tính đến cuối tháng 7/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,45%, chưa bằng một nửa mức tăng cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho hay, tín dụng tiêu dùng, cho vay cá nhân còn tăng trưởng chậm hơn nữa.
"Thời gian tới, NHNN tiếp tục khuyến khích đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, song mức độ tăng trưởng đến đâu phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Hiện nhu cầu vay tiêu dùng của người dân rất yếu trong bối cảnh việc làm bấp bênh, thu nhập giảm do dịch bệnh. Dù vậy, các ngân hàng, công ty tài chính cũng không thể cho vay vô tội vạ, nếu không, nợ xấu sẽ tăng rất nhanh”, ông Hùng cho hay.
Giảm phụ thuộc vào "nồi cơm" tín dụng
Hiện nay NHNN đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ theo 2 hướng lượng và chất. Về lượng, làm sao cho tiền ra ngoài thị trường nhiều hơn để kích thích mua sắm, tạo việc làm. Về chất là phải có sự kiểm soát và tuân thủ trong khuôn khổ nhất định.
Hiện nay tiêu dùng nội địa đang chậm lại, sức mua đã giảm mạnh. Vì vậy, phải kích thích qua hai yếu tố: giá hàng hóa phải rẻ đi thông qua giảm thuế và người dân có thêm tiền để chi tiêu.
Để người dân có tiền, đầu tiên là phải duy trì làm ăn bình thường, kế đến là mở rộng tín dụng tiêu dùng với lãi suất thấp hơn thông qua giảm tỉ lệ rủi ro.
Thực tế, khi khó tìm đầu ra cho vay, một số nhà băng mạnh về mảng này vẫn có khả năng "miễn dịch" cao hơn thay vì phụ thuộc vào "nồi cơm" tín dụng.
Trong báo cáo tài chính quý II/2020 ở một số ngân hàng có kết quả lợi nhuận tăng trưởng cũng cho thấy, các nhà băng này hầu hết đều có mảng kinh doanh tín dụng, bán lẻ hoặc tiêu dùng khá lớn trong cơ cấu dư nợ tín dụng.
Trường hợp VIB là ví dụ điển hình, với 85% dư nợ là cho vay cá nhân, thu nhập từ hoạt động tín dụng của VIB vẫn tăng trưởng 24% trong quý II, lãi từ dịch vụ cũng tăng mạnh nên dù tăng các loại chi phí, lợi nhuận trước thuế vẫn tăng gần 30% so với cùng kỳ.
Với thế mạnh của VIB là cho vay mua nhà và ôtô, Chủ tịch VIB, ông Đặng Khắc Vỹ cho rằng nhu cầu của các sản phẩm này ít bị ảnh hưởng. Đó là các nhu cầu thiết yếu – không phải sản phẩm xa xỉ nên ít bị tác động vì dịch bệnh, ông nhận định.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư đầu tháng 8/2020, lãnh đạo Techcombank khẳng định, thời gian tới, Techcombank xác định cho vay bất động sản và cá nhân vẫn là trọng tâm. Trong đó, cho vay mua nhà chiếm 44% cơ cấu dư nợ bán lẻ.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng. Ngoài ra, nhu cầu vay vốn của người dân hiện nay vẫn rất lớn, tín dụng đen có dấu hiệu tăng nhanh. Vì vậy, phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ hạn chế và đẩy lùi được tín dụng đen.
Thanh Hoa