Theo phân tích của Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, nợ xấu tăng, các ngân hàng phải trích lập dự phòng và phần trích lập dự phòng rủi ro sẽ tính vào chi phí. Tuy nhiên, nếu ngân hàng tăng được lãi suất cho vay, có nhiều người vay và thu được phí dịch vụ liên quan đến tín dụng thì lợi nhuận ròng vẫn tăng.
Nợ xấu gia tăng
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy nợ xấu nội bảng tính đến hết tháng 6/2019 đã tăng nhẹ lên 1,91% từ mức 1,89% vào cuối năm 2018.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2019 của 17 ngân hàng đang niêm yết trên sàn, tính đến ngày 30/6/2019, tổng nợ xấu của 17 ngân hàng ở mức gần 81,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm.
Trong đó, tổng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tính đến cuối tháng 6 đã tăng 5,5% so với đầu năm, lên mức hơn 43,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 54% tổng nợ xấu, trong khi con số này hồi cuối năm 2018 ở mức 55,8%.
Đáng chú ý, trong gần 6,7 nghìn tỷ nợ xấu nội bảng tăng thêm trong 6 tháng đầu năm, 73,9% đến từ 3 ngân hàng BIDV, SHB và Vietcombank.
Cụ thể, SHB là đơn vị đứng đầu về mức tăng tỷ lệ nợ xấu trong 6 tháng, từ 2,4% lên 2,88%, tương đương hơn 6.912 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gần 1.000 tỷ đồng, chiếm 71% nợ xấu; nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng gần 700 tỷ đồng lên 1.136 tỷ đồng.
BIDV có nợ xấu nội bảng vào cuối tháng 6/2019 là 21.121 tỷ đồng, tăng 12,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 tăng mạnh 46% lên 10.492 tỷ đồng; nợ nhóm 3 (nợ dưới chuẩn) tăng 12% lên 6.105 tỷ đồng. Riêng nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm 27% xuống mức 4.524 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay ở BIDV tăng từ 1,90% hồi đầu năm lên 1,98% vào cuối tháng 6.
Tại Vietcombank, tính đến 31/6/2019, nợ nhóm 4 giảm nhẹ nhưng nợ nhóm 3 đã tăng 5,7 lần so với hồi đầu năm lên 1.670 tỷ đồng; nợ nhóm 5 là hơn 4.700 tỷ đồng, chiếm 67% nợ xấu. Như vậy, tổng nợ xấu nội bảng của Vietcombank đã tăng 14,6% so với đầu năm, cao hơn so với tăng trưởng dư nợ cho vay. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ dưới 1% lên 1,03%.
TPBank là ngân hàng đứng thứ hai với nợ xấu tăng từ 1,12% lên 1,5% (1.335 tỷ đồng). Nợ dưới tiêu chuẩn, cần chú ý, có khả năng mất vốn đều có xu hướng tăng.
Theo phân tích của các chuyên gia, các khoản nợ xấu mới đang gia tăng, nhưng khác với trước đây, những khoản này chủ yếu đến từ khoản đầu tư của tư nhân và cho vay bán lẻ. Do đó, tỷ lệ nợ xấu sẽ cao nhất tại các ngân hàng mở rộng hoạt động cho vay bán lẻ, đặc biệt là tài chính tiêu dùng – hình thức cho vay mang lại lợi nhuận cao, nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn.
Tích cực trích lập dự phòng
Trong một báo cáo đánh giá của công ty chứng khoản Bảo Việt (BVSC) đã đưa ra nhận định rủi ro tỷ lệ nợ xấu tăng trở lại trong năm 2019 là không lớn. Theo BVSC, chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn tốt, do tỷ lệ nợ nhóm 2 chưa có dấu hiệu tăng. Thêm vào đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hiện tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước và các ngân hàng có nguồn lực tốt hơn để xử lý nợ xấu.
Theo các chuyên gia, nhờ kinh doanh lợi nhuận, các ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng rủi ro. Thống kê từ báo cáo tài chính trong 6 tháng đầu năm 2019 của các ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy nhiều ngân hàng đã tăng trích lập lên đến nghìn tỷ như: BIDV là 10.710 tỷ đồng, Vietinbank là 7.477 tỷ đồng, VPBank với 6.470 tỷ đồng, VietcomBank với 3.317 tỷ đồng, MB với 2.364 tỷ đồng và Sacombank với 1.046 tỷ đồng.
Các ngân hàng còn lại trích lập dự phòng vài trăm tỷ đồng, trong đó có một số ngân hàng top trên về quy mô như HDBank với 532 tỷ đồng, TPBank là 510 tỷ đồng, SHB với 373 tỷ đồng, Techcombank ở mức 239 tỷ đồng, VIB là 320 tỷ đồng, MSB là 259 tỷ đồng…
Một số ngân hàng có quy mô nhỏ, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro cũng thấp hơn, từ vài chục tỷ đồng như: ACB là 95 tỷ đồng, VieABank là 92 tỷ đồng, NCB là 53 tỷ đồng, VietCapitalBank là 46 tỷ đồng, NamABank và Saigonbank ở mức 44 tỷ đồng, Kienlongbank là 24 tỷ đồng, VietBank là 22 tỷ đồng…
Bên cạnh một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng cao, nhưng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro lại giảm như: SHB giảm từ 57,75% xuống còn 46,82%, Kienlongbank giảm từ 91,9% xuống 77,54%…, nhiều ngân hàng có tỷ lệ trích lập dự phòng trên các khoản nợ xấu tăng khá mạnh so với hồi đầu năm như: Vietcombank lên tới 177,45%, tăng 12,05%; ACB đạt 161,48%, tăng 9,58%; BacABank tăng 0,4%; VietinBank đạt 100% so với mức 95% hồi đầu năm.
Nhìn vào những con số trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng, nhiều chuyên gia đánh giá ngân hàng đã chủ động hơn trong việc bao phủ các khoản nợ xấu, giảm thiểu rủi ro cho hoạt động của ngân hàng.
Hoàng Hà