Một số ngân hàng đã hoàn tất việc mua lại nợ xấu đã bán cho công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và liên tục rao bán tài sản đảm bảo là các khoản nợ xấu, cho thấy sự quyết liệt phá tan “cục máu đông” nợ xấu.
Tích cực rao bán nợ xấu
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng bị siết lại, lãi suất huy động liên tục tăng cao đang tác động lớn đến mặt bằng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn kêu gọi các tổ chức tín dụng (TCTD) khi có điều kiện thì giảm lãi suất. Đứng trước những áp lực đó buộc các ngân hàng phải gia tăng xử lý nợ xấu.
Những ngày qua, thị trường đón nhận thông tin từ các ngân hàng rao bán nhiều tài sản nợ xấu. Điển hình như Sacombank rao bán tập trung chủ yếu tại Tp.HCM với hơn 10 nhóm bất động sản, trong đó một số tài sản có giá trị khá lớn như dự án Nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 - Khu dân cư Bình Trị Đông và một phần thửa đất số 122 thuộc khu B Bình Trị Đông. Dự án có diện tích hơn 534.000 m2, giá bán là khởi điểm là 5.026 tỷ đồng.
Hay như Khu công nghiệp Phong Phú với diện tích 134 ha. Tại phiên đấu giá lần thứ 2, Sacombank đưa ra mức giá khởi điểm là 6.650 tỷ đồng.
Ngoài ra, có nhiều tài sản đấu giá khác có mức giá khởi điểm từ vài tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng. Chẳng hạn, quyền tài sản phát sinh từ 27 hồ sơ đền bù giải tỏa diện tích 20.803,2 m2 thuộc dự án dân cư Bảo Hưng và 2 quyền sử dụng đất tại quận 8, Tp.HCM; 8 khu đất, quyền sử dụng đất tại Hà Nội với tổng giá trị khởi điểm gần 19 tỷ đồng.
Tượng tự như Sacombank, trong tháng 9 này, VietinBank công bố bán đấu giá hàng loạt tài sản nợ xấu, từ xe ô tô cho đến nhà, đất… Trong đó có 2 bất động sản giá trị lớn nhất theo giá bán là quyền sử dụng đất của bên ủy quyền thửa đất số 131 tại Vĩnh Phúc có giá khởi điểm 12 tỷ đồng; căn hộ chung cư số A1705, diện tích 155,6m2, tòa A, chung cư 48 tầng Keangnam Vina có giá bán dự kiến hơn 6,2 tỷ đồng.
Một “ông lớn” ngân hàng quốc doanh là BIDV vừa phát đi thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 7 đường số 1E KDC Trung Sơn, ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Tp.HCM. Khu đất ở có diện tích 204 m2, nhà ở có tổng diện tích sử dụng 222 m2, diện tích xây dựng 108,8 m2. Giá khởi điểm của tài sản là 18,5 tỷ đồng.
Trước đó, BIDV thông báo lựa chọn tổ chức để đấu giá bán khoản nợ của công ty TNHH Xây dựng Thương mại Sài Gòn Phố Đông với tổng giá trị 85 tỷ đồng.
Xử lý nợ xấu theo cách bán nợ chỉ chiếm 20% |
Thu hồi hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu
Mục tiêu của ngành ngân hàng trong năm 2019 sẽ tiếp tục triển khai Nghị quyết số 42 của Quốc hội; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu; phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 5%.
Theo NHNN, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2019, ước tính toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 937.500 tỷ đồng nợ xấu, trong đó năm 2018 đã xử lý được 163.140 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước đến cuối tháng 6/2019 là 1,91%.
Cũng theo NHNN, khách hàng trả nợ có xu hướng tăng khi ngân hàng tiến hành xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, phần nào phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi TCTD, VAMC có quyền thu giữ tài sản bảo đảm…
Đại diện Sacombank cho biết tính đến hết tháng 7, ngân hàng này đã tăng cường thu hồi nợ xấu và tài sản tồn đọng với hơn 11.000 tỷ đồng. Lũy kế từ khi triển khai đề án tái cơ cấu đến nay, Sacombank đã thu hồi được gần 35.700 tỷ đồng.
DongABank cũng thu hồi được cả ngàn tỷ đồng nợ xấu. Theo đại diện ngân hàng này, trong nửa đầu năm 2019, công tác thu hồi nợ có vấn đề cả gốc và lãi đạt 1.870 tỷ đồng. Lũy kế từ tháng 8/2015 – 6/2019, DongABank đã thu hồi được 16.350 tỷ đồng nợ xấu.
Ts. Trương Văn Phước, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận xét thời gian qua, quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng và xử lý nợ xấu đã đạt kết quả khả quan. Xử lý nợ xấu theo cách hiện nay không tốn ngân sách. Đặc biệt, khi những khối nợ xấu nằm trong tài sản thế chấp là bất động sản được xử lý sẽ đem lại lợi nhuận rất cao cho các ngân hàng.
Dẫu vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, “cục máu đông” nợ xấu của ngành ngân hàng chưa thể đánh tan và tiếp tục diễn biến phức tạp khi sức mua thị trường và tồn kho chưa cải thiện nhiều.
Thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm nay, trên toàn hệ thống, hơn 47.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý. Tuy nhiên, trong 4 phương pháp xử lý nợ là đôn đốc thu hồi nợ, bán tài sản đảm bảo, tố tụng thi hành án và bán nợ chỉ chiếm 20%.
Do đó, cần sớm có khung pháp lý cho thị trường mua bán nợ. Có như vậy, người mua/ người bán và thị trường mới sôi động và sẽ huy động được dòng vốn từ dân cư trong việc xử lý nợ xấu nói riêng và mua bán nợ nói chung.
Huyền Anh