Sàn giao dịch nợ VAMC giúp các ngân hàng có thêm kênh thanh lý, phát mãi tài sản. (Ảnh: Int) |
Thông tin rõ hơn về sàn giao dịch mua bán nợ sắp ra mắt thị trường, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC cho biết, lũy kế đến 31/5, giá trị nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt còn lại đạt 94.500 tỷ đồng và dự kiến vẫn tăng do dịch bệnh Covid-19 ngày càng khiến doanh nghiệp khó khăn.
Ông Đông cho biết, hiện có khoảng 3.000 tỷ đồng là số nợ còn lại được VAMC mua theo giá trị thị trường. Tuy nhiên, 1.000 tỷ đồng trong đó đã được VAMC tái cơ cấu nên không đưa vào.
Hiện VAMC đã tái cấu trúc các khoản nợ cho doanh nghiệp được 1.000 tỷ đồng, đang tiếp tục xử lý các khoản nợ đã được mua về theo giá trị thị trường. Vì vậy, con số chào bán trong phiên đầu tiên vẫn chưa quyết định.
Ông Nguyễn Tiến Đông cho biết: "Khoảng 1.000 tỷ đồng là VAMC mua nợ và tái cấu trúc hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nợ xấu đó phục hồi sản xuất kinh doanh. Hoạt động của VAMC sẽ gắn liền với hoạt động của đơn vị đó và khoản nợ sẽ không đưa lên sàn giao dịch nợ, bởi vì đây là dư nợ để tái cấu trúc, phục hồi hoạt động sản xuất của doanh nghiệp".
Sàn giao dịch nợ xấu VAMC được các ngân hàng kỳ vọng sẽ thúc đẩy tốc độ xử lý nợ nhanh hơn. Đơn cử như BIDV là một trong những ngân hàng tích cực rao bán tài sản để thu hồi nợ. Chỉ trong tuần qua, ngân hàng này đã 7 lần thông báo bán đấu giá các khoản nợ và tài sản đảm bảo để thu hồi nợ với số dư hàng trăm tỷ đồng.
Vietcombank đang phát mại tài sản bảo đảm của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dược, nhựa, may mặc, sản xuất nông nghiệp, xây dựng… Nhiều ngân hàng khác cũng đẩy mạnh rao bán ô tô trong bối cảnh dịch Covid-19, các ngành thương mại dịch vụ, du lịch, vận tải gặp khó khăn…
Hoàng Hà