Theo dữ liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 9 (tính đến ngày 17/9), có tổng cộng 15 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nước.
Tổng giá trị phát hành là 10.894 tỷ đồng trong tháng 9/2021. Ngân hàng và bất động sản vẫn là hai nhóm dẫn đầu về tổng giá trị phát hành với 7.060 tỷ đồng và 2.604 tỷ đồng, chiếm lần lượt 64,8% và 23,9% tổng giá trị phát hành của tháng.
Hơn 70% dư nợ TPDN hiện nay là do các ngân hàng nắm giữ. (Ảnh: Int) |
Đáng lưu ý, ngân hàng bên cạnh là đơn vị phát hành dẫn đầu thì cũng là là “tay chơi” lớn nhất trên thị trường hiện nay. Theo dữ liệu từ FiinGroup, hơn 70% dư nợ TPDN hiện nay là do các ngân hàng nắm giữ. Điều này đang gây nhiều lo ngại rủi ro cho hoạt động ngành ngân hàng. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản lưu ý các tổ chức tín dụng (TCTD) phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư TPDN.
Cụ thể, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng đặc biệt nhấn mạnh, đầu tư TPDN nhằm mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng đầu tư TPDN. Thậm chí, một số ngân hàng thương mại có số dư đầu tư TPDN tăng lớn so với năm 2019, trong đó, mức tăng thêm tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Nhận xét về thị trường TPDN của Việt Nam, ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp lĩnh vực tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, thị trường của Việt nam có đủ các yếu tố, với cung và cầu mạnh, điều này được minh chứng qua mức tăng trưởng trung bình hằng năm trên 40% trong những năm qua. Tầm quan trọng của thị trường TPDN tăng lên, chiếm hơn 15% GDP trong năm 2020, từ mức 5% năm 2015. Chính sách về thị trường này cũng đang đi đúng hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Ketut Ariadi Kusuma cho rằng, dù đã có một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã được cấp phép và bắt đầu cung cấp dịch vụ xếp hạng, song Việt nam chưa có trái phiếu nào được xếp hạng.
Theo chuyên gia của WB, cần áp dụng quy chuẩn trái phiếu được xếp hạng và trái phiếu không được xếp hạng. Ví dụ, các tổ chức phát hành hoặc các quỹ hưu trí tự nguyện có thể được phép mua nhiều trái phiếu được xếp hạng hơn so với trái phiếu không được xếp hạng. Tương tự, các ngân hàng cũng có thể xem xét trọng số rủi ro khác nhau cho các trái phiếu với các mức xếp hạng khác nhau. Có như vậy sẽ hạn chế được rủi ro cho các nhà đầu tư và mang lại sự minh bạch cho thị trường.
Thanh Hoa