Thực tế, đây không phải lần đầu có ý kiến đề xuất nên bãi bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng giao cho các ngân hàng từng năm. Tuy nhiên, vì sao nhà điều hành vẫn muốn giữ cơ chế này trong bối cảnh hiện nay?
Dùng tiêu chí để duyệt "room" tín dụng
Theo dõi thị trường có thể thấy, năm qua có ít nhất 2 lần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện nới trần tín dụng hay còn gọi là "room" tín dụng cho hàng loạt nhà băng vào quý III và quý IV. Theo đó, nhiều ngân hàng đã được được nâng hạn mức tín dụng lên trên 20%, bao gồm: TPBank (23,4%), Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). VIB và VPBank đứng ở nhóm tiếp theo với hạn mức tín dụng lần lượt 19,1% và 17,1%.
Nhiều ý kiến đề xuất NHNN nên cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được chủ động về quy mô tăng trưởng tín dụng hằng năm. |
Trong nhóm ngân hàng TMCP nhà nước, Vietcombank được nới room tín dụng mạnh nhất lên 15%. Trong khi đó, hai ngân hàng quốc doanh là BIDV và VietinBank được nới ít nhất, lần lượt lên mức 12% và 12,5%.
Tính chung, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%. Con số này gần sát với mức tăng trưởng tín dụng cả năm vừa được NHNN dự báo khoảng 14%.
Tuy nhiên, không phải tổ chức tín dụng nào cũng được NHNN điều chỉnh trần tín dụng ngay khi có đơn xin tăng. Một lãnh đạo ngân hàng thương mại chia sẻ "room" tín dụng NHNN cấp cho các ngân hàng không dồi dào, có thể nói là khá ít. Chỉ tiêu tín dụng được cấp cho mỗi ngân hàng khác nhau, ngân hàng chất lượng tài sản tốt được nhiều, xếp hạng vừa thì được ít hơn.
Các tiêu chí xét duyệt tín dụng của NHNN có thể kể đến như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số CAR), năng lực quản trị rủi ro (thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9...), mức độ hỗ trợ xã hội trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn thông qua miễn giảm lãi suất và phí.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề xuất nên bãi bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng giao cho các ngân hàng từng năm, bởi cơ chế này mang tính hành chính, có thể làm triệt tiêu động lực kinh doanh của các ngân hàng.
Các phân tích cho thấy, trong giai đoạn vừa qua tốc độ tăng trưởng tín dụng có sự phân hóa cao giữa các nhà băng. Cụ thể, nhóm ngân hàng tư nhân có nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào, cách tiếp cận thị trường năng động, nắm nhiều data và tuân thủ theo các chuẩn quản trị rủi ro quốc tế được cấp room tín dụng cao hơn và có tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt trội so với mức trung bình toàn hệ thống.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, thị phần tín dụng của các ngân hàng tư nhân theo đó liên tục cải thiện từ mức 42% năm 2015 lên chiếm 46% vào quý III/2021.
Bên cạnh đó, nhờ có mô hình hoạt động hiệu quả, tỷ trọng đóng góp lợi nhuận của nhóm ngân hàng tư nhân cũng tăng từ mức 39% lên 64% trong cùng khoảng thời gian.
Đã đến lúc bỏ cấp hạn mức “room” tín dụng?
Từ những phân tích này, các chuyên gia và cả ngân hàng thương mại đề xuất, NHNN không cần dùng "room" tín dụng mà có thể dùng công cụ khác để kiểm soát lạm phát như lượng tiền cung ứng (M2), dự trữ bắt buộc, tỷ lệ an toàn vốn…
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức ngày 10/1, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành Vietcombank đề xuất căn cứ hiệu quả hoạt động, năng lực quản trị rủi ro, NHNN nên cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được chủ động về quy mô tăng trưởng tín dụng hằng năm. “Năm 2022, Vietcombank phấn đấu tăng trưởng tín dụng 12% so với năm 2021 để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế”, ông Tùng cho biết thêm.
Đồng tình, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, về lâu dài, cần quản lý các ngân hàng bằng các chỉ số tài chính thay vì công cụ hành chính là trần tăng trưởng tín dụng. Đến nay, rất ít quốc gia trên thế giới còn sử dụng công cụ giao chỉ tiêu tín dụng.
Trước những kiến nghị này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, quy mô tín dụng của Việt Nam đang chiếm trên 140% GDP, nghĩa là nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng, nên nếu bỏ trần hạn mức sẽ gây ra nhiều bất ổn. “Nếu không quản lý tốt việc tăng trưởng này một cách hài hòa, hợp lý thì sẽ tạo ra sự bất ổn với các ngân hàng thương mại. Cứ hình dung 1 năm tín dụng tăng vài chục %, ồ ạt đưa ra chất lượng tín dụng không đảm bảo, chỉ 1 - 2 năm, nợ xấu lại dâng lên, thì bất ổn ngay, nên phải kiểm soát, vừa đảm bảo cung ứng vốn, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát", ông khẳng định.
Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cũng cho rằng, phương thức áp trần tín dụng có thể thay đổi ở tương lai, trong điều kiện thị trường phát triển, vốn đầu tư trung và dài hạn được giải ngân ở thị trường tài chính, không phải huy động vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn như hiện nay.
Thanh Hoa