Theo số liệu thống kê mới nhất của NHNN đến cuối tháng 7/2021, các ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 790.000 khách hàng với dư nợ gần 1,4 triệu tỷ đồng.
Ngân hàng dành hơn 24.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay
Thực tế, thời điểm này, các ngân hàng dồn dập công bố các gói vay ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp gặp khó khăn ở các tỉnh, thành phố đang áp dụng giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16 lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Các ngân hàng đã cam kết dành hơn 24.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay. |
Điển hình, BIDV triển khai gói tín dụng mới với quy mô 30.000 tỷ đồng, áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn có thời gian vay tối đa 12 tháng, với mức giảm lãi suất đến 1,5%/năm so với lãi suất thông thường. Dự kiến, nguồn lực hỗ trợ đối với gói tín dụng này vào khoảng 200 tỷ đồng.
“BIDV giảm lãi suất cho vay với dư nợ hiện hữu, đồng thời triển khai các gói vay mới với lãi suất thấp cho khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội ở các lĩnh vực như giao thông, vận tải, y tế, giáo dục, dịch vụ lưu trú, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, resort…”, đại diện BIDV cho hay.
Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn đã được ngân hàng giảm lãi vay, cơ cấu nợ, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hàng tỷ đồng.
Nhà máy sản xuất ống nhựa DNP Corp nằm ở Đồng Nai là ví dụ điển hình. Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến 70% doanh thu của DN này đã bị ảnh hưởng do giãn cách. Lãi tiền vay để duy trì sản xuất và đầu tư nhà máy hàng tháng lên đến vài tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp may mắn đã được giảm lãi cho cả hai khoản này. Ước tính, doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 10 tỷ đồng tiền lãi.
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Tổng Giám đốc DNP Corp cho biết: "Mặt bằng lãi suất về trung dài hạn, chúng tôi được giảm khoảng 0,5%, còn ngắn hạn từ 0,5 - 0,7%. Nhờ sự hỗ trợ từ phía ngân hàng, doanh nghiệp chúng tôi có thêm dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh".
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, hiện các ngân hàng đã cam kết dành hơn 24.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay. "Đối tượng nào khó khăn nhiều thì được giảm lãi suất nhiều, đối tượng nào ít thì giảm ít, nhưng phải làm thật. NHNN sẽ giám sát việc thực hiện cam kết đó, thực hiện kết quả được bao nhiêu, có thực chất không", ông Tú nói.
Ngân hàng có thể giảm lãi suất đến đâu?
Trên cơ sở kết quả giám sát thực hiện giảm lãi suất, NHNN sẽ có chính sách khuyến khích hoặc hạn chế hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại. Như vậy, rất có thể những tháng cuối năm sẽ có một vài ngân hàng tiếp tục được nới room tín dụng. Thực tế, hồi tháng 7/2021, NHNN đã đưa tiêu chí như vậy để xem xét cấp thêm tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng và có khả năng giải pháp này sẽ còn được kéo dài trong năm 2022.
Đương nhiên, các ngân hàng cũng muốn được cấp thêm room tăng trưởng tín dụng nhằm mở rộng quy mô hoạt động. Song không phải vì thế mà doanh nghiệp nào muốn là sẽ được hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi, bởi nhiều đề xuất giảm lãi suất của doanh nghiệp rất phi lý. Có những doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất tới 5%, cao hơn cả chênh lệch lãi suất huy động/cho vay (NIM) của các ngân hàng. Thậm chí có hiệp hội còn đề xuất hưởng lãi suất 0%.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, lãi suất huy động rất thấp và không thể giảm thêm nữa. Vì vậy, lãi suất tiền gửi nên ổn định để mức lãi suất cho vay ổn định. “Lạm phát nếu giữ ở mức dưới 4%, lãi suất cho vay ở mức 6-6,5%, thì lãi suất tiền gửi thực tế của người dân vẫn luôn thực dương”, ông Hiển nói.
Dù vậy, theo chuyên gia này, cuối năm nay và đầu năm sau, mặt bằng lãi suất sẽ có xu hướng tăng nhẹ. Bởi sau khi Chính phủ và các địa phương xử lý xong tình hình dịch bệnh, chấm dứt giãn cách xã hội, nhu cầu về dòng tiền và tín dụng sẽ tăng vì doanh nghiệp cần tiền để sản xuất kinh doanh, khiến các ngân hàng phải nhanh chóng thu hút tiền gửi. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi cứ ép ở mức thấp sẽ không tốt cho thu hút tiền gửi. Vì vậy, lãi suất sẽ đi ngang hoặc nhích nhẹ lên, không tiếp tục giảm xuống nữa.
Do đó, cơ hội giảm lãi suất cho vay cũng khá thấp, khoảng 0,5 - 1%, tùy điều kiện của từng ngân hàng, chứ không thể giảm 3 - 5% như doanh nghiệp mong muốn.
Huyền Anh