Trong 3 quý kinh doanh vừa qua, nhiều nhà băng đạt kết quả kinh doanh khởi sắc, nhưng thị giá cổ phiếu vẫn liên tục giảm. Trong đó, nhiều mã cổ phiếu có tốc độ giảm mạnh, liên tục tạo đáy mới trong lịch sử niêm yết của mình như: cổ phiếu HDB của HDBank mất 33%, VPB của VPBank giảm 52%, TCB của Techcombank giảm 39%…
Chi tiền tỷ mua cổ phiếu
Chỉ trong hai tuần gần đây, lãnh đạo VPBank, Techcombank, HDBank đã liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu, trong bối cảnh giá cổ phiếu các nhà băng này liên tục lập đáy mới.
Cụ thể, Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng và người thân đã đăng ký mua lần lượt 8 triệu và 13 triệu cổ phiếu VPB, với mục đích gia tăng sở hữu.
Tính theo giá thị trường, lãnh đạo VPBank và người thân phải chi khoảng 430 tỷ đồng để sở hữu thêm 21 triệu cổ phần.
Hay như Tổng Giám đốc HDB Nguyễn Hữu Đặng đăng ký mua 500.000 cổ phiếu HDB từ ngày 19 đến ngày 30/11. Với thị giá của cổ phiếu đang được giao dịch ngày 20/11 là 30.100 đồng, CEO của HDBank có thể phải chi khoảng 15 tỷ đồng.
Trong khi đó, mới đây, Techcombank thông báo công đoàn của ngân hàng đã mua vào 1,2 triệu cổ phiếu TCB trong thời gian từ ngày 9 đến ngày 17/11. Đồng thời, Phó Chủ tịch HĐQT Đỗ Tuấn Anh cùng Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh và Phó Tổng Giám đốc Phạm Quang Thắng cũng chia đều mua vào tổng cộng 300.000 cổ phiếu này.
Giá cổ phiếu ngành ngân hàng đang giảm, nhưng về dài hạn sẽ tăng trở lại |
Sẽ còn tiếp diễn
Chi tiền "khủng" hơn là Maritime Bank công bố mua lại 70 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ, với giá chào mua là 11.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, Maritime Bank sẽ chi ra số tiền 770 tỷ đồng để mua lại lượng cổ phiếu trên. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2018, nhà băng này dự kiến đưa cổ phiếu MSB lên Sàn Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) vào quý I/2019.
Theo đánh giá của giới phân tích, thời gian qua, thị trường chứng khoán lao dốc khiến cổ phiếu ngành ngân hàng cũng bị ảnh hưởng bất chấp kết quả kinh doanh của các nhà băng này đều tăng trưởng khá ấn tượng.
Để "cứu giá" cổ phiếu, không còn cách nào khác, lãnh đạo và các nhà băng phải chi tiền tỷ để mua cổ phiếu và tăng lợi ích cho cổ đông.
Thực tế đã chứng minh, cổ phiếu VPB tăng trần khớp tại giá 21.800 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch ngày 20/11), thanh khoản cổ phiếu cũng tăng mạnh đạt gần 4,7 triệu cổ phiếu, cao nhất trong vòng một tuần.
Tương tự, cổ phiếu HDB cũng tăng trần 30.450 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 20/11. Cổ phiếu TCB trong một tuần trở lại đây cũng tăng nhẹ, giao dịch trong ngày 20/11 đạt 26.400 đồng/cổ phiếu, với lượng dư mua đạt 82,340 cổ phiếu.
Có thể thấy, trong những giai đoạn trước đây, khi thị trường chứng khoán điều chỉnh giảm mạnh, nhiều nhà băng và lãnh đạo cũng đua nhau mua cổ phiếu để "cứu giá", để đầu tư hoặc giảm chi phí cổ tức… Sau đó, khi thị trường chứng khoán khởi sắc, nhiều ngân hàng đã bán cổ phiếu quỹ để thu lãi lớn.
Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, đánh giá việc hàng loạt lãnh đạo cấp cao của các nhà băng mua vào trong thời gian qua nhằm tận dụng thời điểm mức giá hấp dẫn của cổ phiếu dòng ngân hàng.
Đây đơn thuần là mục đích đầu tư. "Những người này đang hướng đến giá trị gia tăng của cổ phiếu ngân hàng khi thời gian qua, cổ phiếu ngành này liên tục hồi phục và khởi sắc", ông Hiếu nói.
Bên cạnh yếu tố đầu tư, vị chuyên gia này cũng cho rằng các lãnh đạo ngân hàng mua gom cổ phiếu có thể còn nhằm mục đích "tập trung" quyền lực tại nhà băng.
Ví dụ, CEO của HDBank hiện sở hữu gần 26,15 triệu cổ phiếu HDB, tương ứng tỷ lệ 2,67%. Như vậy, sau giao dịch này, dự kiến ông Nguyễn Hữu Đặng sẽ nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên gần 26,65 triệu đơn vị.
Còn ông Ngô Chí Dũng đang nắm gần 113,7 triệu cổ phiếu VPB, chiếm tỷ lệ 4,494% vốn điều lệ VPBank, trong khi bà Vũ Thị Quyên (mẹ của ông Dũng) cũng đang nắm hơn 107,7 triệu cổ phiếu VPB, chiếm tỷ lệ 4,257% vốn điều lệ ngân hàng. Sau khi giao dịch đăng ký mua thành công, gia đình ông Dũng sẽ nắm hơn 367 triệu cổ phiếu VPB, tương đương với tỷ lệ sở hữu khoảng 14,5% vốn điều lệ VPBank.
Như vậy, có thể thấy, bên cạnh yếu tố lợi nhuận đầu tư, việc gia tăng nắm giữ cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn, có vị trí nhất định tại ngân hàng là điều rất quan trọng với các lãnh đạo nhà băng.
Nhìn nhận xu hướng sắp tới, các chuyên gia phân tích chứng khoán cho rằng hoạt động mua cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp diễn. Thời điểm này, giá cổ phiếu ngành ngân hàng đang giảm, nhưng về dài hạn sẽ tăng trở lại và tiếp tục là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường nhờ những yếu tố hỗ trợ tích cực như: nợ xấu đang được đẩy mạnh xử lý, lợi nhuận tăng cao…
Hoàng Hà