Theo quy định tại khoản 2 Điều 98 Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, gồm nội dung giao dịch tài khoản, số dư tài khoản người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế.
Lo ngân hàng vi phạm pháp luật
Góp ý về quy định này, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội) nói đây là việc đặt ra để giúp cơ quan thuế thu thuế đầy đủ, toàn diện nhưng quy định phải nhìn nhận từ nhiều góc độ.
Bộ Tài chính cho rằng ngân hàng cần cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế |
Việc ngân hàng có được thông tin cá nhân, tổ chức doanh nghiệp cũng phải theo quy định của Hiến pháp về quyền bảo đảm thông tin của cá nhân, trong đó có thông tin liên quan tới tài khoản ngân hàng. Theo đó, ngân hàng phải bảo đảm bí mật thông tin khách hàng.
Ngoài ra, với các ngân hàng, việc bảo mật thông tin khách hàng là tối quan trọng để có được khách hàng gửi tiền và giao dịch qua ngân hàng.
Ông Chiến phân tích thêm, với cá nhân, doanh nghiệp chắc chắn sẽ không đồng ý để ngân hàng tiết lộ bí mật thông tin của họ. Do đó, ngân hàng không thể tự cung cấp thông tin của họ cho cơ quan thứ ba.
“Quy định ngân hàng cần cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế là không phù hợp với Hiến pháp và quy định của pháp luật”, ông Chiến nêu ý kiến.
Do đó, việc đảm bảo chống thất thu thuế nhà nước, cơ quan thuế phải có biện pháp của mình. Áp dụng biện pháp này bằng cách luật hóa, mà còn bị ràng buộc bởi luật khác và Hiến pháp thì không khả thi và khó nhận được sự đồng tình của người dân.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Đoàn Quảng Ngãi) cũng kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc quy định này và cho rằng không phù hợp, có mâu thuẫn với yêu cầu bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo đó, Luật này quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng. Trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo quy định của hệ thống pháp luật và sự chấp thuận của khách hàng.
Vì vậy, bà Trang cho rằng, cần có sự hài hòa của hai quy định này không làm ảnh hưởng tới uy tín, hoạt động của ngân hàng. Tránh việc yêu cầu cung cấp thông tin dẫn tới ngân hàng vi phạm pháp luật.
“Tôi đề nghị phải nghiên cứu rõ các trường hợp cung cấp thông tin, thẩm quyền cung cấp thông tin, yêu cầu cung cấp thông tin một cách chặt chẽ. Việc khấu trừ tiền trong tài khoản nộp thuế phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp”, đại biểu này nói.
Số dư tài khoản không nói lên điều gì
Liên quan đến quy định trao thêm quyền được lấy thông tin khách hàng cho ngành thuế, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Ninh Bình) cho biết, bản thân các đại biểu rất cân nhắc và trao đổi với nhau để đảm bảo tính hợp hiến của các đề xuất.
Theo ông Kiên, Luật phải quy định rất rõ ràng trường hợp nào được làm. Ví dụ đã bị cơ quan thuế đưa vào diện trốn thuế, thì để phục vụ cho truy thu thuế, cơ quan thuế có quyền yêu cầu cơ quan khác phối hợp. Chứ tự nhiên đưa yêu cầu ra để đi xem và can thiệp vào các khía cạnh đời tư, nhân thân của công dân thì chắc Quốc hội sẽ không tán thành.
Diễn giải thêm, ông Kiên nói, phải có trường hợp cụ thể, quy định trong luật vì liên quan đến quyền nhân thân, quyền tự do của công dân. Hiến pháp đã quy định rõ, những quyền này chỉ được điều chỉnh bằng luật chứ không được điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật.
Lấy dẫn chứng, ông Kiên nêu, ngay như với biện pháp phòng chống khủng bố thế giới, giao dịch của các chủ tài khoản ở các ngân hàng Thụy Sỹ, các cơ quan quản lý để lấy được thông tin của họ cũng phải trải qua các thủ tục pháp lý, ràng buộc chặt chẽ.
“Chúng ta cũng sẽ đi theo hướng quy định chặt chẽ, cụ thể để tránh lạm dụng quy định này ảnh hưởng tới quyền của công dân”, đại biểu khẳng định.
Đồng tình với các ý kiến trên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, khi cơ quan thuế có giao dịch liên quan tới kinh doanh, buôn bán nghi vấn… có thể yêu cầu ngân hàng kiểm tra phát sinh giao dịch để xác minh thuế.
Tuy nhiên, ông Cường đặt câu hỏi: bản thân số dư tài khoản ngân hàng không nói lên điều gì, có trốn thuế hay không? Nếu cung cấp tất cả cho cơ quan tài chính thì cơ quan này dựa vào đâu để nói rằng có vấn đề thuế ở đây?
Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng, phải quy định rất rõ các trường hợp cung cấp thông tin. Mục tiêu của cơ quan thuế khi lấy thông tin đó để làm gì, chỉ được quyền xác minh cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế chứ không được quyền sử dụng thông tin đó vào mục đích khác. Các cơ quan sử dụng thông tin phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ thông tin này. Nếu như bắt phải báo cáo toàn bộ số dư tài khoản cá nhân thì có vấn đề.
Thanh Hoa