Các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay rất quan tâm đến tín dụng xanh, ngân hàng xanh và phát triển bền vững. Dư nợ tín dụng xanh tập trung vào hai lĩnh vực chính nông nghiệp xanh và năng lượng tái tạo.
Không chỉ các dòng vốn nội, mà ngay cả các dòng vốn ngoại cũng đang ngày càng quan tâm tới tín dụng xanh, khẳng định đây thực sự là xu hướng mới. Hiện có 21 tổ chức tài chính và quỹ đầu tư nước ngoài đã rót vốn cho các dự án xanh của Việt Nam. Trong 2 năm qua, số tiền giải ngân cũng tăng gấp 6 lần so với các giai đoạn trước.
Cơ hội hút vốn ngoại nhờ tín dụng xanh
Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút nhiều nguồn vốn xanh từ quốc tế. Tính riêng trong hai năm 2021 và 2022, đã có hơn 7 tỷ USD nguồn vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam, phần lớn dành cấp cho các dự án xanh nhằm giảm thiểu tác hại với môi trường và hạn chế phát thải.
Bà Võ Hằng Phương, Giám đốc khối Thị trường Tài chính và Ngân hàng giao dịch VPBank cho biết: Hiện nay, tổng vốn tài trợ cho các dự án xanh tại VPBank đạt khoảng 500 triệu USD, VPBank cũng đang có nhiều cơ hội để huy động các dòng vốn quốc tế cho các dự án xanh tại Việt Nam.
Đẩy mạnh cho vay tín dụng xanh, nhiều ngân hàng hút được hàng trăm triệu USD vốn nước ngoài. |
Có thể thấy, gần đây VPBank liên tiếp huy động thành công nhiều khoản vay tài chính bền vững quốc tế có quy mô lớn, với tổng giá trị lên tới hơn 1 tỷ USD từ năm 2020 đến từ ADB, SMBC, JICA, ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd.
HDBank cũng thành công mang về nguồn vốn tín dụng trị giá 700 triệu USD cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc hợp tác cùng các tổ chức nước ngoài.
Ông Bùi Xuân Hương, Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng HD Bank: "Chúng tôi cũng có kí các thoả thuận với các tổ chức tài chính xanh với tổng lượng vốn cam kết hơn 700 triệu USD cho các mục đích: năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và các lĩnh vực khác nằm trong dịch vụ xanh của Việt Nam. Chúng tôi tiếp tục mở rộng danh mục dự án, và cũng tiếp tục làm việc với các đối tác khác để có các nguồn tài chính giá rẻ hơn và dài hạn hơn, giúp các doanh nghiệp tiếp cận hiện thực hoá mục tiêu của mình".
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mức độ nhận thức của các ngân hàng trong việc thúc đẩy nguồn vốn tín dụng xanh đã tăng đáng kể trong 5 năm trở lại đây. Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, đến tháng 6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh mới đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Hiện tại đã có 40 tổ chức tín dụng báo cáo có tài trợ cho các dự án xanh, tốc độ tăng trưởng đạt trên 20%/năm.
Tại BIDV, tính đến ngày 30/6/2023, dư nợ cho các dự án xanh đạt 2,81 tỷ USD, chiếm 4,1% tổng dư nợ; Còn tại VPBank, tổng vốn tài trợ cho các dự án xanh tại VPBank đạt khoảng 500 triệu USD, VPBank cũng đang có nhiều cơ hội để huy động các dòng vốn quốc tế cho các dự án xanh tại Việt Nam…
Tạo cơ chế “hút” vốn phát triển tăng trưởng xanh
Ngày 21/9, tại hội thảo xanh hoá ngành ngân hàng- Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số sang nền kinh tế carbon tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nguồn vốn xanh quốc tế. Do vậy, Việt Nam cần sớm xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn để các chủ thể nhất quán áp dụng nhằm thúc đẩy phát triển tài chính xanh, kinh tế xanh.
Đại diện Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) cho rằng, thực tế các đối tác như IFC rất kỳ vọng là đối tác của các tổ chức tín dụng của Việt Nam tài trợ cho các dự án xanh. Nhưng hiện nay không ít ngân hàng chưa biết làm thế nào để vận hành cơ chế tài chính xanh, đánh giá rủi ro, quy trình thủ tục làm dự án xanh. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn cho các tổ chức tín dụng để triển khai.
Đại diện IFC gợi ý về hình thức "chia sẻ rủi ro với sự bảo lãnh của IFC". Theo đó, IFC sẽ bảo lãnh một phần cho tín dụng của ngân hàng, có thể chịu 50% rủi ro mất vốn hoặc lợi nhuận. Đó là cách giảm bớt nguồn vốn và rủi ro mà hệ thống ngân hàng Việt Nam phải gánh chịu.
"IFC có xếp hạng tín nhiệm AAA, khi hợp tác với IFC thì hệ số rủi ro sẽ thấp hơn, ngân hàng sẽ thuận lợi hơn trong việc phối hợp tài trợ tín dụng xanh. Đây là điều kiện quan trọng thu hút nguồn lực quốc tế, quốc tế hóa cho các dự án xanh ở Việt Nam, IFC có khả năng hỗ trợ toàn bộ thị trường, vấn đề là cần có những cơ chế, sản phẩm đặc thù để phối hợp tài trợ cho các dự án xanh", đại diện IFC nói.
Thực tế, hiện nay các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế cho tín dụng xanh, ban hành các quy định nội bộ về khung tín dụng xanh… để “hút” nguồn vốn này.
Ông Nguyễn Hiểu Nhân, Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng ACB chia sẻ, các hoạt động tín dụng xanh cũng được ngân hàng tập trung phát triển. Đến nay, ACB đã xây dựng 3 trụ cột chính để thực hiện xanh hoá ngân hàng, đó là: Tài trợ vốn, hỗ trợ cho dự án xanh; tài trợ cho tất cả các hoạt động tiết kiệm năng lượng; phát triển các dự án chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ACB đang hợp tác với một số đối tác quan trọng nhằm thiết kế các sản phẩm dịch vụ tài trợ xanh. Dự kiến trong năm 2024, ACB sẽ công bố các khoản vay xanh.
Từ kinh nghiệm tại Thái Lan, ông Kamonphan Laksana, Giám đốc Phát triển bền vững Ngân hàng TMBThanachart, Thái Lan cho biết, việc triển khai tín dụng xanh sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, để hướng tới xanh hoá ngành Ngân hàng, ngoài quy định pháp lý đầy đủ thì các ngân hàng cũng cần sự thống nhất từ trên xuống dưới trong việc xây dựng chiến lược xanh. “Định hướng rõ ràng từ hội đồng quản trị, cũng như sự ủng hộ từ các lãnh đạo cấp trung gian sẽ rất quan trọng để các ngân hàng có thể triển khai thành công các chiến lược xanh”, ông Kamonphan Laksana nhấn mạnh.
Huyền Anh