Ngày 27/6, tại phiên toạ đàm "Net Zero - Lợi thế người dẫn đầu" với chủ đề "Đòn bẩy chính sách", bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: "Năm 2017 khi bắt đầu thống kê các nguồn lực tín dụng đầu tư cho các dự án xanh thì chỉ nhận được báo cáo của 15 tổ chức tín dụng với quy mô khiêm tốn. Song ở thời điểm hiện tại đã có 40 tổ chức tín dụng báo cáo có tài trợ cho các dự án xanh, quy mô trên 500.000 tỷ đồng – chiếm trên 4% tổng dư nợ của nền kinh tế, cũng như đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%".
Ngân hàng mở rộng quy mô tín dụng xanh
Tín dụng xanh cũng là định hướng mà NHNN đặt ra cho các ngân hàng những năm vừa qua. Theo đó, NHNN đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các ngân hàng phải xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Ngoài ra, 100% các ngân hàng cũng phải thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng.
Các ngân hàng ngày càng mở rộng quy mô tín dụng xanh. |
Số liệu gần đây nhất từ NHNN cho thấy, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung nền kinh tế. Tuy nhiên, tỉ trọng tín dụng xanh vẫn còn rất khiêm tốn, dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế do đây là lĩnh vực mới.
Hiện ngày càng nhiều ngân hàng đưa ra các gói vay xanh. Đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với 12 dự án xanh do NHNN xây dựng và ban hành từ năm 2015 đạt gần 500.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế).
Những cái tên được gắn nhiều với tín dụng xanh có thể kể đến như: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, HDBank, SHB, Nam A Bank, TPBank, OCB... Không chỉ đơn thuần là cấp tín dụng xanh mà một số ngân hàng gắn tính "xanh" vào các chiến lược marketing và định hướng phát triển dài hạn của mình, qua đó tạo được dấu ấn rõ nét hơn trên thị trường.
Mới đây, VietCapital Bank ra mắt gói vay “Tín dụng xanh”, áp dụng cho các hoạt động như nuôi trồng có ứng dụng công nghệ hoặc mô hình theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... Người vay bổ sung vốn mua máy móc, dây chuyền sản xuất tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng điện mặt trời, máy móc hỗ trợ tạo ra năng lượng tái tạo... cũng sẽ nhận ưu đãi lãi vay từ 8,9%/năm.
BIDV cũng cho biết, ngân hàng đã dành tỷ trọng nhất định cho các khách hàng trong lĩnh vực năng lượng xanh vay vốn với khoảng 1.718 dự án đã được hỗ trợ. Ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV, cho biết, hiện ngân hàng này không tài trợ cho các dự án nhiệt điện than và đẩy mạnh cho vay tín dụng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Tính đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng xanh BIDV đạt gần 63,8 ngàn tỷ đồng (tương đương 2,7 tỷ USD) chiếm 4,3% tổng dư nợ BIDV và 13% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực xanh toàn bộ nền kinh tế. Để đáp ứng nhu cầu vốn cho ngành năng lượng, ngoài nguồn vốn kinh doanh thông thường, BIDV đã huy động thành công nhiều nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế như WB, AFD…
“Danh mục cho vay của BIDV cho các lĩnh vực xanh và bền vững đến năm 2025 dự kiến đạt 3 tỷ USD, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ BIDV”, ông Long cam kết.
Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý
Mặc dù các ngân hàng cam kết dành nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh song không dễ giải ngân. Lãnh đạo Agribank cho biết: “Tại nhiều địa phương, tìm mô hình nông nghiệp sạch, mô hình sản xuất hàng hóa thì rất dễ, song mô hình ‘xanh’ thì rất khó, do phải đáp ứng nhiều tiêu chí, chứng nhận”.
Được biết, hành lang pháp lý vẫn đang là trở ngại đối với các doanh nghiệp khi muốn tiếp cận dòng vốn xanh vì chưa có bộ quy định cụ thể thế nào là một dự án xanh và không xanh.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cho rằng, NHNN cần hoàn thiện hướng dẫn và xây dựng cơ chế cho tín dụng xanh và ưu tiên giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng cho vay vào các dự án năng lượng xanh hàng năm.
Bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc Toàn quốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp lớn, Ngân hàng HSBC cho biết: "Hành lang pháp lý chưa cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp e ngại khi tiến hành các khoản tín dụng xanh cũng như trái phiếu xanh".
Theo các chuyên gia, một bộ quy chuẩn điều kiện xanh với những tiêu chí cụ thể sẽ hoạt động như kim chỉ nam để hướng dẫn các ngân hàng trong nước và quốc tế đẩy tín dụng xanh hiệu quả hơn. Việt Nam có thể tham khảo từ các nước phát triển để có thể có bộ quy chuẩn phù hợp dựa trên nhiều yếu tố.
Bà Michele Wee, Tổng giám đốc ngân hàng Standard Chartered Việt Nam khuyến nghị: "Nếu chúng ta có khung quản lý được tiêu chuẩn hoá, thậm chí có thể bao gồm cả báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) của các doanh nghiệp được công khai, sẽ mang lại định nghĩa rõ ràng hơn về dự án xanh. Như vậy, các ngân hàng có mô hình như chúng tôi có thể tiếp tục góp phần hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thúc đẩy kinh tế xanh".
Từ góc nhìn của NHNN, bà Giang cũng thừa nhận hiện các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thẩm định các dự án xanh (mang nhiều yếu tố kỹ thuật, môi trường chuyên ngành). Hiện Thủ tướng Chính phủ đang giao NHNN xây dựng ban hành một danh mục cũng như tiêu chí xanh.
Điều này sẽ có hữu ích rất nhiều giúp cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư cho các dự án xanh. Với ngành ngân hàng, đây sẽ là nguồn tài liệu, bộ tiêu chí cho các ngân hàng thương mại thẩm định, đối chiếu xem xét quyết định cấp tín dụng.
Bên cạnh đó, thực hiện chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh, ngành ngân hàng cũng như NHNN đã xây dựng các chương trình hành động trong toàn hệ thống. Đặc biệt trong quá trình điều hành NHNN đã có những giải pháp đến toàn bộ hệ thống tín dụng để làm sao hướng dòng vốn ưu tiên cho vay với các dự án xanh.
Huyền Anh