Theo thống kê, tổng nguồn vốn cho vay các dự án xanh của cả nước trong năm 2022 mới đạt khoảng 500.000 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 4,32% tổng dư nợ nền kinh tế.
Các ngân hàng đang triển khai tín dụng xanh ra sao?
Tín dụng xanh là định hướng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra cho các ngân hàng thương mại những năm gần đây. Tín hiệu đáng mừng là hiện nay, nhiều ngân hàng tư nhân cũng đã tham gia “sân chơi” này, thậm chí một số nhà băng đã xây dựng khung khoản vay bền vững cũng như quy trình thẩm định tín dụng xanh.
Tín dụng xanh hiện mới chiếm khoảng 4,32% tổng dư nợ nền kinh tế. |
Thống kê của NHNN, đến nay có tới 40 tổ chức tín dụng cấp "vốn xanh" với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5 - 1%/năm so với thông thường, để cho vay các cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống mà không gây ảnh hưởng xấu hoặc có khả năng bảo vệ tài nguyên, môi trường, xã hội.
Điển hình, tại Agribank, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm. Tính đến 31/12/2022, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt gần 12.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế), với hơn 41.000 khách hàng vay vốn.
HDBank cũng là ngân hàng tiên phong ban hành chính sách cấp tín dụng xanh với 11.000 tỷ đồng trong năm 2022. Ông Nguyễn Đăng Thanh, Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết: "Hiện nay, HDBank tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện bộ chính sách tài chính xanh cho doanh nghiệp và cá nhân bao gồm gói cho vay xanh và các dịch vụ liên quan”.
Trong khi đó, MB hiện dành tới 8-10% tổng dư nợ để cho vay đối với các lĩnh vực tín dụng xanh. Ngân hàng đồng thời đặt mục tiêu sẽ nâng tỷ trọng tín dụng xanh, tín dụng phục vụ chuyển đổi công nghệ lên 15% vào năm 2026.
“Với tín dụng tăng trưởng khoảng 15-20% mỗi năm (hiện dư nợ cho vay của MB là trên 600 nghìn tỷ đồng) thì con số mà ngân hàng dành cho tín dụng xanh đang rất lớn. Bởi một số ngân hàng lớn trên thế giới chỉ dùng khoảng 8% dư nợ để cho vay năng lượng tái tạo, tín dụng xanh và chuyển đổi thì tỷ lệ của MB đã lên tới 10-11%", Tổng giám đốc MB Phạm Như Ánh chia sẻ.
Tại BIDV, vào cuối năm 2022, dư nợ tín dụng xanh đạt 63,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,3% tổng dư nợ của ngân hàng này và 13% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực xanh toàn bộ nền kinh tế. Lãnh đạo BIDV đã cam kết mở rộng danh mục cho vay các lĩnh vực xanh và bền vững đến năm 2025 dự kiến đạt 3 tỷ USD, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ của BIDV…
Hay như tại SHB, tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh hiện đã chiếm gần 10% tổng dư nợ cho vay.
Những con số này đang cho thấy các ngân hàng đang hướng nguồn tín dụng chảy vào lĩnh vực xanh và có xu hướng tăng trưởng ngày càng nhanh. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều ngân hàng băn khoăn mục tiêu xanh hoá tín dụng khó đạt được nếu không có hành lang pháp lý hướng dẫn cụ thể.
Doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng xanh do chưa có khung pháp lý
Tính đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 500.000 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 4,32% tổng dư nợ nền kinh tế. Nguyên nhân chính dẫn đến tín dụng xanh chưa được khơi dòng chảy mạnh đến từ việc chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, lĩnh vực làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh; công tác giám sát, quản lý rủi ro khi cấp tín dụng xanh còn vướng mắc do thiếu quy định, tiêu chí đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường…
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, do yêu cầu cấp thiết của thị trường, nhiều doanh nghiệp rất cần tín dụng xanh để chuyển đổi sản xuất xanh. Bởi, hiện nay, nếu không “xanh” thì doanh nghiệp không xuất hàng đi đâu được. Song, doanh nghiệp lại khó tiếp cận tín dụng xanh do chưa có khung pháp lý đầy đủ. Còn để tự thân mỗi doanh nghiệp đứng ra phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn là điều rất khó, do hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.
Tại cuộc họp về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế được tổ chức mới đây, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, việc sản xuất gặp khó khăn không chỉ ở tín dụng mà là do thiếu đơn hàng và đơn giá thấp. Tuy nhiên, nhìn về lâu dài có rất nhiều cơ hội kinh doanh và nhu cầu vốn rất lớn, nhất là trong chuyển đổi xanh. Vì vậy, doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ về vốn để đầu tư chuyển đổi công nghệ, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tương lai.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết: Hiện, cơ quan quản lý đang xây dựng bộ quy chuẩn danh mục xanh phù hợp với thông lệ quốc tế và sẽ trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Các ngân hàng sẽ có cơ sở đối chiếu khi quyết định xét duyệt nguồn vốn xanh, còn các doanh nghiệp đa ngành nghề cũng có định hướng phát triển rõ ràng để tiếp cận được nguồn vốn vay cả trong nước và quốc tế.
“NHNN đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các ngân hàng phải xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Ngoài ra, 100% các ngân hàng cũng phải thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng”, bà Giang cho hay.
Huyền Anh