Tư duy đổi mới của khách hàng đang khiến mô hình kinh doanh tài chính truyền thống không còn phù hợp, đặc biệt sự xuất hiện của các công ty Fintech đang tạo áp lực lớn buộc các ngân hàng cũng phải thay đổi, cải tiến hệ thống phục vụ dịch vụ ngân hàng số và nâng cao tính cạnh tranh.
Thay vì đến ngân hàng chờ đợi hàng chục phút, thậm chí hàng giờ, nay khách hàng chọn cách ở nhà và chỉ cần một vài thao tác click trong vòng vài giây đã thực hiện thành công giao dịch.
Cải tiến ngân hàng số
Những tiện ích này là lý do khiến khách hàng không còn mặn mà với dịch vụ ngân hàng truyền thống nữa. Thay vào đó, họ tìm đến các dịch vụ ngân hàng số nhiều hơn. Điều này đòi hỏi ngành ngân hàng phải thay đổi một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Dẫn đầu trong xu hướng này có thể kể đến VIB với ứng dụng ngân hàng di động MyVIB đang được nhiều người tiêu dùng yêu thích, đánh giá cao về những tính năng độc đáo như: thanh toán nhiều hóa đơn dịch vụ cùng một lúc, nhắc nhở thanh toán hóa đơn đến hạn, chuyển tiền ngay khi chat qua mạng xã hội, hay mua vé máy bay nội địa và quốc tế dễ dàng và nhanh chóng…
Tính đến hết năm 2017, VIB đã có thêm 20% khách hàng cá nhân mới thông qua kênh mở tài khoản trực tuyến tại MyVIB. Số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Ngân hàng điện tử tăng 50%. Số lượng khách hàng tải ứng dụng MyVIB tăng 104%, số lượng khách hàng thường xuyên sử dụng tăng 87% so với năm trước.
Tại buổi ra mắt nền tảng Ngân hàng số VPBank Dream mới đây, lãnh đạo VPBank, cũng cho hay một trong các trọng tâm đầu tư của VPBank là dịch vụ ngân hàng số.
Theo tính toán của VPBank, hiện đã có gần 600.000 người sử dụng dịch vụ ngân hàng số và VPBank cũng đã huy động được hơn 10.000 tỷ đồng thông qua dịch vụ này, chiếm tới 41% số tài khoản tiết kiệm mới mở.
Cùng với đó, hơn 42.000 khoản vay đã được thực hiện qua kênh ngân hàng số; trong đó 30.000 giao dịch thực hiện qua thẻ tín dụng. Nhờ đó, giao dịch tại quầy của VPBank hiện đã giảm tỷ lệ xuống chỉ còn 17-18%.
Không có ứng dụng ngân hàng số riêng, Maritime Bank chọn cách "bắt tay" với các công ty Fintech như: phát triển các tính năng thanh toán di động dựa trên cả hai cách thức dùng mã QR và Tokenization khi tung ra hình thức thanh toán bằng Samsung Pay và ứng dụng M-QR nhằm "chiều chuộng" các nhu cầu ngày càng cao của "thượng đế" và gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Việc nỗ lực đưa đến các giải pháp Fintech cũng như "bắt tay" với các đối tác Fintech, phát triển thêm nhiều tính năng dựa trên nền tảng công nghệ số đang là định hướng chiến lược của nhiều ngân hàng nhằm tạo nên lợi thế cạnh tranh, thu hút ngày càng nhiều khách hàng tham gia.
VIB đã có thêm 20% khách hàng cá nhân mới thông qua kênh mở tài khoản trực tuyến tại MyVIB |
Lợi nhuận ròng khoảng 15-17%
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết phát triển ngân hàng số đang được ưu tiên hàng đầu. Đây không chỉ là áp lực phải nâng cao trải nghiệm của khách hàng, mà các ngân hàng còn đứng trước áp lực tăng trưởng doanh thu và cắt giảm chi phí nên việc đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi sang kỹ thuật số và tăng cường hợp tác với Fintech để học hỏi và mua lại những công nghệ tài chính mới, nhằm cải tiến quy trình vận hành, giúp ngân hàng đạt được các mục tiêu.
Theo khảo sát, các ngân hàng có thể cắt giảm tới 25% chi phí bằng cách ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, giúp tiết kiệm nhiều chi phí so với ngân hàng truyền thống, đồng thời có thể tiếp cận được các khách hàng tốt hơn.
Tại hội thảo khoa học quốc gia "Cách mạng công nghiệp 4.0 và những đổi mới trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng" mới đây, với kinh nghiệm hơn 10 năm làm Fintech, Gs. John Wong, Đại học Quản trị Paris, cho biết: "Chi phí hoạt động ngân hàng sẽ giảm đến 80% nếu sử dụng hoàn toàn Fintech. Các ngân hàng có thể cắt giảm bớt số lượng chi nhánh, loại bỏ hệ thống máy ATM không cần thiết và chỉ với chiếc điện thoại thông minh, thẻ Visa hay Mastercard sẽ không còn cần thiết nữa…".
Một số chuyên gia cho rằng đầu tư vào công nghệ ban đầu sẽ rất tốn kém, có thể ngốn tới 30% chi phí. Tuy nhiên, với lợi nhuận mang lại lên đến 45%, ngân hàng sẽ có lợi nhuận ròng khoảng 15-17%.
Ngoài ra, việc các ngân hàng sớm áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào thanh toán sẽ giúp biến đổi toàn cảnh bức tranh thanh toán tại Việt Nam, từ một quốc gia phụ thuộc phần lớn vào tiền mặt tiến tới một quốc gia có tới 40% dân số vào năm 2021 sẽ sử dụng các tính năng thanh toán hiện đại để trả tiền cho các mặt hàng hàng ngày, bắt kịp xu thế của thế giới (theo Statista).
Huyền Anh