Chiều ngày 7/6, trao đổi với báo chí, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho biết, hiện nay thu nhập của người dân giảm, nhưng nhu cầu vay không giảm. Trong khi đó, ngân hàng rất nỗ lực mong muốn tìm kiếm khách hàng, để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn gặp phải những khó khăn chung khiến tăng trưởng tín dụng đang bị chậm lại.
Lãi suất hạ nhiệt, nhu cầu vay vốn khó cải thiện
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến hết tháng 5, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022. Trong khi cùng kỳ năm 2022, tín dụng tăng xấp xỉ 8% so với cuối năm 2021.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, việc cạnh tranh tìm khách hàng giữa các ngân hàng hiện nay rất căng thẳng.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng thì tăng trưởng mới được khoảng 35% so với mức NHNN đã giao. Còn lại nhóm ngân hàng cổ phần đang được khoảng một nửa so với mức được giao.
“Rõ ràng, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, yếu hơn đáng kể so với năm ngoái", Phó Thống đốc cho hay, đồng thời chỉ rõ, vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng cho thời gian còn lại của năm.
Nhìn từ “đầu tàu” của nền kinh tế là TP Hồ Chí Minh, tăng trưởng tín dụng tháng 5 ước đạt khoảng 0,7%, chậm hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của cả nước. Tính chung 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại TP Hồ Chí Minh ước đạt 2,34%, chỉ bằng hơn 70% tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của cả nước, thấp hơn đáng kể mức tăng 8,8% cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế, NHNN đã có 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, song tăng trưởng tín dụng vẫn cải thiện rất lẹt đẹt.
Ngân hàng OCB cho biết, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng mới đạt trên 4,43% kể từ đầu năm, ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm mở rộng dư nợ. Trong đó, đã có hàng chục lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ đầu năm, hạ lãi suất đồng loạt cho các khách hàng có dư nợ hiện hữu từ 0,5 - 1%/năm trong vòng 3 tháng.
"Ở quý II nhu cầu tín dụng vẫn thấp, tăng trưởng tín dụng không dễ dàng. Tuy nhiên, một số ngành nghề vẫn mạnh dạn đầu tư. Quý II, một số doanh nghiệp quay trở lại, mở rộng sản xuất, đầu tư, tín dụng bắt đầu tăng, nhưng vẫn chưa tăng đột biến”, đại diện OCB cho biết.
Doanh nghiệp có nhiều cơ hội vay
Doanh nghiệp thiếu vốn, ngân hàng “rủng rỉnh” tiền trong kho. Do đó lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, việc cạnh tranh tìm khách hàng giữa các ngân hàng hiện nay rất căng thẳng.
Ông Lâm nói rằng, ngân hàng là ngành cạnh tranh rất khốc liệt, với hàng chục các tổ chức tín dụng, do đó có rất nhiều người bán, nên nói doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng là không đúng, bởi nếu không tiếp cận được ngân hàng A thì có thể chuyển sang ngân hàng B, rất nhiều ngân hàng trên thị trường sẵn sàng cung ứng vốn. Mặc dù khẩu vị rủi ro khác nhau, có ngân hàng quy định chặt chẽ, nhưng cũng có ngân hàng lỏng hơn nên doanh nghiệp có nhiều cơ hội vay vốn.
"Câu chuyện doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn tín dụng đến từ nhiều nguyên nhân: từ cầu nền kinh tế, năng lực khách hàng vay đang bị suy giảm, không đáp ứng được điều kiện vay vốn... Trong khi đó, các ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng để phục vụ hết các nhu cầu của khách hàng”, ông Lâm cho hay.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn cho biết, các ngân hàng cũng chịu áp lực tăng trưởng tín dụng, gắn liền với KPI, nhưng tìm "đỏ mắt" cũng không có khách hàng thỏa tiêu chí như mong đợi để cho vay.
"Giữa các ngân hàng lớn cũng cạnh tranh gay gắt để kéo khách hàng tốt về. Trong khi đó, các doanh nghiệp sẵn sàng vay thì ngân hàng không dám giải ngân vì không nhìn thấy phương án kinh doanh cũng như dòng tiền khả thi", vị này nói.
Do đó, việc tìm cách giảm thêm lãi suất cho vay, tăng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế là ưu tiên của ngành ngân hàng thời gian tới.
Số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho thấy, lãi suất cho vay mới bình quân hiện ở mức 9,07%, giảm 0,9% so với cuối năm 2022.
Tuy nhiên, các ngân hàng khẳng định, sau khi huy động lãi suất cao cuối năm ngoái và đầu năm nay, các ngân hàng cần thêm thời gian để có thể trung hòa giá vốn, qua đó có thể hạ lãi suất cho vay ra thị trường.
“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kéo giảm lãi suất nhằm kích thích nhu cầu đầu tư và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp, qua đó giúp tín dụng tăng tương ứng”, Tổng giám đốc BIDV nói.
Huyền Anh