Sự kết hợp giữa ngân hàng và sàn thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, doanh nghiệp và nhà băng. |
Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử hiện tăng hơn 150% so với năm 2019. Số lượng khách hàng truy cập các sàn cũng tăng trưởng ấn tượng với khoảng 3,5 triệu lượt/ngày.
Những cái bắt tay vì khách hàng
Nhận thấy tiềm năng của các sàn thương mại điện tử trong những năm gần đây, ngân hàng đã “bắt tay” với các đơn vị này để mở rộng quy mô và gia tăng số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của nhà băng.
Ví dụ, VPBank hợp tác với Shopee và Visa cho ra mắt thẻ tín dụng VPBank Shopee; HSBC kết hợp với Lazada dành ưu đãi cho khách hàng dùng thẻ ngân hàng này mua sắm trên trang; VIB hợp tác với Sendo, MSB hợp tác với Tiki để cung cấp hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng...
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết: “Với định hướng chuyển mình công nghệ, số hóa mạnh mẽ cùng mục tiêu tiếp tục mở rộng khuôn khổ hợp tác và khai thác tiềm năng phát triển của thị trường thương mại điện tử trong tương lai, chúng tôi mong muốn trở thành đối tác của Tiki trong nhiều lĩnh vực, nhằm tạo ra cú hích lớn trên thị trường thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến, giúp hai bên mở rộng dịch vụ thuận ích cho khách hàng”.
Chị Trương Ngọc Yến, 30 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội là "tín đồ" mua hàng trên mạng. Chị hiện có 1 thẻ ATM, 2 thẻ tín dụng của 2 ngân hàng và 1 ví điện tử để sử dụng những ưu đãi dành riêng cho từng loại. 90% đồ dùng của chị mua từ các sàn thương mại điện tử hàng đầu chứ không phải từ cửa hàng hay chợ truyền thống. Chị Yến là điển hình của thế hệ mua sắm mới, đang ngày càng nở rộ tại Việt Nam.
“Hình thức mua sắm online mang lại nhiều tiện lợi cho bản thân, nhất là thời gian gần đây, các sàn thương mại điện tử đã đưa ra hàng loạt hình thức giảm giá, miễn phí vận chuyển khiến người dùng hào hứng hơn khi mua hàng”, chị Yến cho hay.
Thực tế, xu hướng kết hợp giữa sàn thương mại điện tử và các ngân hàng đã bắt đầu từ nhiều năm trước trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khoảng 2 năm gần đây, 2 lĩnh vực ngân hàng và thương mại điện tử mới chứng kiến nhiều hợp tác nhằm thúc đẩy thanh toán trực tuyến.
Một chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, đà tăng trưởng tốt của thanh toán điện tử trong những năm vừa qua một phần đến từ sự tích cực của ngân hàng và các trang thương mại điện tử. Những lợi ích tức thì như giảm giá, ưu đãi có khả năng kích cầu, thu hút người tiêu dùng, từ đó tạo ra lợi ích lâu dài là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Bắt tay mở rộng hệ sinh thái
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: “Trước Covid-19, vào ứng dụng (app) của Vietcombank, tôi không nhìn thấy dịch vụ Vnshop, nhưng hiện nay, vào app này, khách hàng có thể mua được mọi mặt hàng. Điều này cho thấy, hệ sinh thái số đã hình thành. Người tiêu dùng ngày càng thay đổi, ngân hàng nào không làm được thì không thể tồn tại”.
Nhìn xa hơn ra thế giới, trường hợp AliPay và ICICI Bank thành công không phải vì dịch vụ thanh toán, mà nhờ đã mở ra một cánh cổng dẫn đến một hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số rộng lớn cho người dùng.
Theo đó, hai "gã khổng lồ" này đều liên kết sàn thương mại điện tử và nhà bán lẻ lớn. Cụ thể, từ năm 2016, Alibaba hợp tác với BNP Paribas, Barclays, UniCredit và SIX Payment Services để chuyển đổi nhóm khách hàng chung của hai bên sang sử dụng phương tiện thanh toán điện tử AliPay. Qua đó giúp nền tảng thanh toán này thâm nhập sâu thị trường châu Âu.
Còn "đại gia" Mỹ Amazon năm 2018 phối hợp ICICI Bank phát hành thẻ tín dụng đồng thương hiệu đi kèm danh sách hơn 10 ưu đãi dành cho chủ thẻ này khi mua sắm trên Amazon, nhất là nhóm khách hàng đặc quyền Amazon Prime.
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Ngân hàng số BIDV, để đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, cần phải xây dựng môi trường sinh thái thanh toán điện tử mà ngân hàng là một phần trong hệ sinh thái này.
Giống như Trung Quốc, để thành công, ngân hàng và sàn thương mại điện tử, ví điện tử cần tạo ra một hệ sinh thái đa dạng, tiện ích để phục vụ khách hàng.
Còn đại diện Sendo nhận định, thanh toán điện tử sẽ là xu hướng tất yếu và là lựa chọn an toàn, nhanh chóng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, tỷ lệ người Việt mua online nhưng thanh toán tiền mặt vẫn còn cao. Vì thế, các sàn thương mại điện tử cần có chiến lược phù hợp để thuyết phục và chuyển đổi thói quen thanh toán của người dùng.
"Riêng Sendo chú trọng đẩy mạnh hợp tác với ngân hàng để xây dựng các chương trình ưu đãi, nhất là hoàn tiền, nhằm hướng khách hàng thanh toán trực tuyến trên sàn nhiều hơn", đại diện sàn thương mại điện tử này cho hay.
Thanh Hoa