Sau hai năm giảm nhiệt, tình trạng đầu cơ nhà, đất có dấu hiệu tăng trở lại, đặc biệt ở một số khu vực đang được quy hoạch thành các khu công nghiệp, cụm cảng hàng không… khiến giá nhà đất tăng mạnh trong thời gian qua.
Trước tình trạng trên, nhiều ngân hàng có động thái tăng lãi suất cho vay, tăng cường siết chặt ưu đãi, nâng phạt lãi suất trả trước hạn và xét cho vay không quá 70% giá trị.
Dư địa cho vay không nhiều
Nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất, siết điều kiện cho vay mua nhà, đất trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) xuất hiện “bong bóng”. Tuy nhiên, nhu cầu người vay vẫn tăng cao.
Có nhu cầu vay 1 tỷ đồng để mua nhà, chị Mai Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) tìm đến chi nhánh Eximbank gần nhà để hỏi vay.
Nhân viên chi nhánh cho biết hiện ngân hàng có hai gói tín dụng cho vay mua BĐS. Khách hàng có thể chọn phương án vay lãi suất cố định trong thời gian 12 tháng đầu, lãi suất áp dụng là 11%/năm. Với phương án này, khách hàng có lợi thế không bị tính lãi phạt nếu trả nợ trước hạn.
Phương án hai là vay mức lãi suất 11%/năm và áp dụng cố định trong 24 tháng đầu, nhưng ngân hàng_sẽ ràng buộc người vay không được trả trước hạn. Sau thời gian này, lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất kỳ hạn 24 tháng cộng với biên độ.
“Nếu trả nợ trước hạn, khách hàng sẽ bị phạt 1% trên tổng số tiền trả trước hạn”, chị Lan cho biết.
Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh, nhiều ngân hàng TMCP hiện đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay, mua, sửa nhà, đất lên khá cao, có nơi_lên đến 12,5%/năm cho vay dài hạn._
So với trước, lãi suất cho vay mua, xây, sửa nhà tại các ngân hàng_cổ phần đã tăng khoảng 2%/năm._
Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, thị trường BĐS nhiều nơi đang tăng “nóng”, giá đất cao bất thường, lượng khách hàng vay vốn đầu tư BĐS tăng lên nhanh chóng, đặc biệt ở những khu vực đang xảy ra tình trạng sốt đất như khu vực huyện Đông Anh (Hà Nội), huyện Long Thành (Đồng Nai), quận 2, 9, Thủ Đức (Tp.HCM).
Lo ngại nguy cơ xảy ra “bong bóng”, các ngân hàng đã siết chặt cho vay BĐS và đa số đã không còn áp dụng các chương trình ưu đãi cho vay BĐS như trước.
Thậm chí, những nơi sốt đất, ngân hàng áp dụng điều kiện cho vay riêng, chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, giá đất ở các khu vực đang bị “thổi” và tăng cao bất thường so với giá trị thực, ngân hàng chỉ định giá bằng 50% giá thị trường. Sau khi thẩm định xong chỉ cho vay 30%-40% giá trị nhà đất, chứ không phải cho vay 70% giá trị tài sản thế chấp như trước.
Nhiều ngân hàng TMCP hiện đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay, mua, sửa nhà, đất lên khá cao, có nơi lên đến 12,5%/năm cho vay dài hạn. |
Siết vốn là cần thiết
Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy trong quý I/2018, tín dụng cho vay dài hạn tăng mạnh. Trong khi tín dụng ngắn hạn chỉ tăng 2,6% thì tín dụng trung, dài hạn đã tăng tới 4,3% và hiện chiếm tới 53,2% tổng dư nợ tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có nhiều văn bản cảnh báo các ngân hàng_về việc rót vốn vào lĩnh vực BĐS. NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng siết chặt cho vay vào các lĩnh vực BĐS, chứng khoán… để hạn chế nợ xấu, đồng thời ưu tiên tập trung vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng cân đối nguồn vốn, sử dụng để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Theo các chuyên gia ngân hàng, việc tăng lãi suất sẽ tác động xấu đến thị trường BĐS, nhiều người có nhu cầu mua nhà ở thực sẽ không có khả năng mua khiến thị trường chững lại.
Nhiều khách hàng vẫn đang còn khoản vay mua nhà không thuộc diện gói ưu đãi, nếu lãi suất được điều chỉnh theo thời kỳ, 12 tháng, 2 năm, 3 năm. Lãi suất có xu hướng tăng sẽ là gánh nặng cho người đi vay.
Một chuyên gia cho rằng siết vốn là cần thiết, tuy nhiên chỉ nên áp dụng với những nơi đang xảy ra tình trạng sốt đất. Còn với các khách hàng có nhu cầu mua ở thực, mua nhà ở xã hội, ngân hàng vẫn nên có những chính sách ưu đãi, bởi nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp hiện nay vẫn còn rất cao.
Lo ngại về chất lượng tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng, mới đây, NHNN tiếp tục ban hành Công văn số 563 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, xây dựng, đồng thời cũng đưa ra yêu cầu kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng.
Huyền Anh