Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 tổ chức mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát để tránh hiện tượng đầu tư quá đà vào bất động sản (BĐS), vì nguồn gốc của nợ xấu tăng mà các ngân hàng vất vả xử lý trong nhiều năm qua có nguyên nhân từ việc cho vay BĐS quá lớn vào những năm 2007 – 2008.
Nhiều ưu đãi cho cá nhân
Đến hẹn lại lên, những tháng cuối năm, các ngân hàng thương mại lại đua nhau tung ra hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi lãi suất. Năm nay, ưu đãi của các nhà băng có xu hướng tập trung nhiều vào nhóm khách hàng cá nhân, phục vụ đời sống tiêu dùng.
Nắm bắt được nhu cầu gia tăng vay vốn mua nhà, sửa nhà dịp cuối năm, các ngân hàng đã tung ra chương trình ưu đãi cho vay mua nhà với lãi suất cạnh tranh.
Chẳng hạn, Techcombank đang áp dụng chương trình ưu đãi lãi vay mua ngay nhà mới, với lãi suất 6,79%/năm, áp dụng cố định trong vòng 12 tháng. PVcomBank đang quảng bá chương trình sẵn vốn ngay, an cư trong tầm tay.
Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay vốn để mua, xây, sửa nhà trong thời gian này sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi 7,49%/năm trong 6 tháng đầu và 8,99%/ năm trong 12 tháng đầu, thời gian vay kéo dài 20 năm.
Trong khi đó, NCB đang áp dụng lãi suất cho vay mua nhà, sửa nhà với mức tương đối thấp so với sản phẩm vay mua nhà trả góp của các ngân hàng khác.
Cụ thể, NCB áp dụng mức lãi vay 9,5%/năm, cố định trong vòng 24 tháng; mức 7,99%/năm trong vòng 12 tháng và 6,5% trong vòng 6 tháng. Thời hạn vay dài nhất là 25 năm, hạn mức cho vay lên đến 90% giá trị căn nhà.
Trong khi đó, MB mới đây dành 2.500 tỷ đồng cho vay mua BĐS, vay mua ô tô và vay sản xuất kinh doanh, lãi suất chỉ từ 7%/năm đối với vay mua ô tô; 7,49%/ năm với vay mua, xây dựng sửa chữa nhà đất, cho vay mua nhà chung cư, đất dự án; tối thiểu 8,2%/năm khi khách hàng vay phục vụ sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, hầu hết các khoản cho vay cá nhân mua nhà, sửa chữa nhà được xếp vào mảng tín dụng tiêu dùng. Còn các khoản vay dành cho doanh nghiệp với mục đích đầu tư BĐS và sinh lợi trên BĐS đó sẽ được xếp vào nhóm tín dụng BĐS.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cách tính này làm cho bức tranh về tín dụng BĐS không chính xác, cần phải tách tín dụng mua nhà, sửa nhà khỏi tín dụng tiêu dùng để chuyển về tín dụng BĐS. Có như vậy mới có phương thức quản lý hữu hiệu, giảm tình trạng tín dụng BĐS "núp bóng" cho vay tiêu dùng gây rủi ro lớn cho thị trường.
Nhiều ngân hàng tung ra chương trình ưu đãi cho vay mua nhà với lãi suất cạnh tranh |
Xử lý thế nào?
Theo thống kê của NHNN, tính đến tháng 6/2018, cho vay BĐS chỉ tăng 2,19%, mức tăng thấp nhất trong ba năm trở lại đây. Tỷ trọng cho vay BĐS chiếm 7,5% tổng dư nợ nền kinh tế, thấp hơn rất nhiều so với những năm trước.
Tuy nhiên, theo tính toán nhiều chuyên gia, nếu tính cả tín dụng tiêu dùng đang đổ vào lĩnh vực BĐS, con số còn lớn hơn rất nhiều, có thể chiếm tới 20% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế.
Tại hội nghị triển khai công tác năm 2019 của ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay đang có hiện tượng tín dụng tiêu dùng, cho vay BĐS tăng nhanh và yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát để tránh hiện tượng đầu tư quá đà vào đây, vì nguồn gốc của nợ xấu tăng mà các ngân hàng vất vả xử lý trong nhiều năm qua có nguyên nhân từ việc cho vay BĐS quá đà vào những năm 2007 – 2008.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mảng cho vay tiêu dùng đang mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà băng trong thời gian qua. Mục tiêu kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2019 cũng nhấn mạnh đến giải pháp gia tăng lợi nhuận từ tín dụng tiêu dùng. Trong khi đó, có đến hơn 50% tổng tín dụng tiêu dùng ở hầu hết các nhà băng là cho vay BĐS.
Do đó, Ts. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho rằng trong bối cảnh các ngân hàng tập trung cho vay cá nhân để tăng lợi nhuận, việc quản lý minh bạch khoản vay mua nhà đó là để ở (tiêu dùng) hay mua nhà để cho thuê (đầu tư) nhằm giảm rủi ro cho hệ thống là điều cần thiết.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, đưa ra nhận định tín dụng phục vụ đời sống tăng là tín hiệu tích cực để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, nhưng nếu không được kiểm soát theo đúng mục đích và đối tượng vay vốn sẽ tiềm ẩn rủi ro trong thời gian tới.
"Nếu bóc tách, sòng phẳng giữa cho vay BĐS và cho vay tiêu dùng thì tín dụng tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 12%. Vì vậy, để lành mạnh hóa thị trường và để cho vay cá nhân đảm bảo an toàn cho hệ thống cần bóc tách hai khoản này để giảm rủi ro", ông Lực nói.
Huyền Anh