1. Làn sóng trẻ hóa dàn lãnh đạo ngân hàng
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định bổ nhiệm 2 tân Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là ông Phạm Tiến Dũng, nguyên Vụ trưởng Thanh toán và ông Phạm Thanh Hà, nguyên Vụ trưởng Chính sách tiền tệ.
Trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước có thêm 2 Phó Thống đốc mới. |
Ông Hà sinh năm 1974 và ông Dũng sinh năm 1970. Như vậy, với sự bổ nhiệm này, ông Hà và ông Dũng trở thành 2 Phó Thống đốc trẻ nhất trong đội ngũ Phó Thống đốc hiện nay của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng trong năm 2021, ngành ngân hàng chứng kiến một loạt ngân hàng thay nhân sự cấp cao. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, có trên 10 quyết định như vậy ở các ngân hàng như: VietABank, SCB, VietBank, Kienlongbank, LienVietPostBank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, NCB, SHB, Techcombank... Đáng chú ý chính là sự xuất hiện nhiều gương mặt trẻ thuộc thế hệ “8X”, trên dưới 40 tuổi.
Đơn cử như trong tháng 5/2021, Kienlongbank bổ nhiệm bà Trần Thị Thu Hằng sinh năm 1985, giữ chức Chủ tịch. Cùng trong tháng 5, SCB có quyết định giao ông Trương Khánh Hoàng đảm nhận vị trí quyền Tổng giám đốc, ông Hoàng được biết tới như một gương mặt sáng giá trong câu lạc bộ CEO tài chính 8X.
Tương tự, trong năm 2021, VietABank bổ nhiệm ông Phương Thành Long sinh năm 1983 giữ chức Chủ tịch HĐQT. NCB bổ nhiệm bà Bùi Thị Thanh Hương sinh năm 1980 vào vị trí Chủ tịch HĐQT.
Hồi cuối tháng 4/2021, HĐQT Vietbank đã bầu ông Dương Nhất Nguyên giữ chức Chủ tịch nhiệm kỳ 2021-2025. Ông Nguyên sinh năm 1983, là con trai cả của ông chủ Tập đoàn Hoa Lâm Dương Ngọc Hòa.
2. Chuyển đổi mạnh mẽ ngân hàng số
Trong năm 2021, các ngân hàng Việt Nam đã có sự chuyển mình tích cực, nổi bật là cuộc đua chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ tiên tiến như AI, Big Data. Đặc biệt, các ngân hàng còn “chạy đua” đi trước đón đầu với mô hình ngân hàng thuần số (Neo-bank) như VPBank NEO, TNEX của MSB, VCB Digibank, VietinBank iPay, My VIB…. Trong đó, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến như Internet Banking, Mobile Banking có tốc độ tăng trưởng vượt bậc, chiếm hơn 40% giao dịch, cá biệt có ngân hàng đạt tỷ lệ hơn 80% tổng số giao dịch. Tốc độ tăng trưởng thanh toán qua QR code lên đến 200% so với năm 2020.
Nhờ vậy, dư nợ cho vay bán lẻ của các tổ chức tín dụng ngày càng cao và chiếm tỷ lệ khoảng 40%-50% tổng dư nợ cho vay khách hàng (đối với ngân hàng lớn và trung bình), cá biệt có tổ chức tín dụng có tỷ lệ cho vay cá nhân chiếm 60-80% tổng dư nợ.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng còn chứng kiến một cuộc đua ngầm khác là nâng cao năng lực core, công nghệ để chuẩn bị trước cho sự đe dọa từ các công ty Fintech và dịch vụ Mobile Money trong thời gian tới, như Techcombank bắt tay với Amazon Web Services làm đối tác cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. VietinBank cũng triển khai các giải pháp khai thác Big Data, AI, học máy vào phân tích dữ liệu khách hàng…
3. Việt Nam và Mỹ đạt được thoả thuận về chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ là một trong những vấn đề được Mỹ và Việt Nam quan tâm, trao đổi thường xuyên trong các cuộc điện đàm, gặp gỡ song phương vài năm nay. Trong một báo cáo tháng 12/2020 trình Quốc hội, Bộ Tài chính Mỹ đã gắn mác thao túng tiền tệ cho Việt Nam.
Tuy nhiên tới tháng 4/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã gỡ mác và cho biết sẽ tiếp tục các cuộc tham vấn với Việt Nam nhằm xử lý vấn đề này.
Tại cuộc họp trực tuyến để cùng thảo luận về các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ và mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế vào tháng 7/2021, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định chính sách tỷ giá của Việt Nam trong khung khổ chính sách tiền tệ chung, hướng tới mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mà không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng trong thương mại quốc tế.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Tài chính Mỹ cùng cam kết sẽ duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ, thiện chí nhằm tìm được giải pháp cho những thách thức chung như hỗ trợ phục hồi mạnh mẽ và toàn diện sau đại dịch COVID-19.
Sau cuộc họp, Bộ Tài chính Mỹ ra thông cáo khẳng định “sẽ thông báo cho các cơ quan Chính phủ khác của Mỹ về việc đã đạt được thỏa thuận với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để giải quyết những lo ngại về các thông lệ tiền tệ của Việt Nam”. Thông cáo cho biết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đánh giá Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nỗ lực không ngừng để tiếp tục hiện đại hóa và minh bạch hơn chính sách tiền tệ cũng như khuôn khổ tỷ giá hối đoái.
4. Sàn giao dịch nợ VAMC chính thức hoạt động
Ngày 15/10, Công ty TNHH Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã đưa Sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động chính thức, trong thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 khiến cho nhiều hoạt động kinh tế, ngân hàng nói chung bị trì hoãn. Thông qua việc sử dụng các chức năng tư vấn, môi giới, Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ hỗ trợ và kết nối người mua và người bán có nhu cầu thật sự để gặp nhau, thương thảo và đi đến hợp tác toàn diện để phục hồi sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Theo dự báo của các chuyên gia, nợ xấu nội bảng cuối năm 2021 khoảng trên 2% và 2,3-2,5% vào năm 2022, nợ xấu gộp có thể tăng cao tới 7,1-7,7%, đặc biệt là nửa cuối năm 2022. Vì vậy, việc Sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động sẽ giúp nhiều thành phần cùng tham gia, giúp hoạt động mua bán nợ theo đúng cơ chế kinh tế thị trường – thuận mua vừa bán.
5. Hai lần sửa đổi Thông tư 01 hỗ trợ doanh nghiệp và người dân
Ngân hàng Nhà nước có tới 2 lần sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Lần thứ nhất, ngày 2/4/2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư số 01.
Sau 5 tháng kể từ khi ban hành Thông tư 03, NHNN đã tiếp tục ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01 (sửa đổi Thông tư 01 lần thứ 2).
Trong đó, sửa đổi các mốc giới hạn thời gian khoản nợ được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang diễn ra, như mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ phát sinh từ trước ngày 1/8/2021, kéo dài thời gian áp dụng đối với khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022.
6. Thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money
Từ tháng 12/2021, các nhà mạng MobiFone, Vietel, Vinaphone chính thức đã bắt đầu cung cấp dịch vụ tiền di dộng (Mobile Money). Đây là một giải pháp quan trọng để Việt Nam có thể triển khai dịch vụ tài chính đến mọi người dân, nhất là những nơi người dân chưa có tài khoản ngân hàng.
Theo đó, các doanh nghiệp sẽ tiến từng bước, chủ yếu bằng chất lượng dịch vụ, cũng như tệp khách hàng ở vùng sâu, vùng xa hoặc những nơi đã có sóng viễn thông nhưng người dân chưa được tiếp cận với dịch vụ tài chính ngân hàng.
7. Sôi động tăng vốn
Với các ngân hàng, 2021 là năm “chạy đua” tăng vốn nhằm đáp ứng các tiêu chí an toàn vốn theo tiêu chuẩn quốc tế. Các chuyên gia đánh giá đây là nhu cầu thường trực khi vốn chủ sở hữu đa phần còn mỏng hoặc cần gia cố thêm để nâng cao khẩu vị an toàn vốn. Trong khi đó, chậm nhất đến ngày 1/1/2023, các ngân hàng phải thực hiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II.
Từ đầu năm đến nay, 19 ngân hàng liên tục đẩy mạnh tăng vốn bằng nhiều hình thức và đã nhận được sự chấp thuận chính thức về tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm các ngân hàng có vốn Nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV; các ngân hàng thuộc khối tư nhân gồm SHB, VPBank, TPBank, OCB... Trong đó, những ngân hàng tăng vốn mạnh từ đầu năm 2021 đến nay phải kể đến là VPBank (tăng 80%), VIB (44,2%), SCB (32,8%), Sacombank (32%), OCB (31,8%), ACB và HDBank (25%)...
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng muốn chào bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Vietcombank, BIDV, LienVietPostBank… đều có kế hoạch tăng vốn lớn trong năm. Ước tính sơ bộ hơn 2 tỷ cổ phiếu ngân hàng đã được đưa ra thị trường trong năm nay.
8. Cam kết giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp
Thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận (thông qua Hiệp hội Ngân hàng) giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.
Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7 - 31/10 của 16 ngân hàng là khoảng 15.559 tỷ đồng (tăng 3.323 tỷ đồng so với 30/9, tương ứng tăng 27,16%), đạt 75,48% so với cam kết.
9. Dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục
Dự kiến cuối năm nay, Việt Nam sẽ cán mốc 114 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Những năm gần đây, nhờ chính sách ổn định tỷ giá và lãi tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ bằng 0, hiện tượng đô la hóa đã giảm đáng kể. Do đó, đối với chính sách ngoại tệ, chỉ cần duy trì ổn định tỷ giá là được, không cần phải dùng đến biện pháp tăng giá VND.
Trên thị trường hiện nay, nguồn ngoại tệ rất dồi dào, cân đối cung - cầu thuận lợi khi các nguồn cung mới dồn dập chảy về, trong đó nổi bật ở kênh vay nước ngoài mà nhiều doanh nghiệp và ngân hàng thương mại triển khai trong bối cảnh lãi suất thấp. Trước dòng chảy thuận lợi này, tỷ giá USD/VND liên tục trượt giảm và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua ròng ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.
10. Hơn 10 tỷ cổ phiếu ngân hàng được bơm thêm vào thị trường chứng khoán
Kể từ đầu năm tới nay, thị trường chứng khoán đã đón thêm gần 10,3 tỷ cổ phiếu ngân hàng thông qua niêm yết mới hay phát hành thêm. Trong đó, OCB (mã OCB) và SeABank (mã SSB) niêm yết lần lượt gần 1,1 tỷ và hơn 1,2 tỷ cổ phần trên sàn HoSE, VietABank đăng ký giao dịch gần 445 triệu cổ phần trên thị trường UPCoM...
Một số đợt phát hành cổ phiếu lớn có thể kể đến như: VPBank phát hành 1,97 tỷ cổ phiếu trả cổ tức và thưởng; VietinBank phát hành 1,1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức các năm 2017, 2018 và 2019 với tổng tỷ lệ 29,07%; MB phát hành gần 980 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 35%; ACB phát hành 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 25%;...
Hiện, VietinBank đang có số cổ phần lưu hành nhiều nhất ngành ngân hàng với 4,806 tỷ đơn vị. Đồng thời, đây cũng là doanh nghiệp niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với 48.058 tỷ đồng.
Xếp ngay sau VietinBank là VPBank, BIDV, MB với số cổ phiếu lưu hành lần lượt đạt 4,445 tỷ, 4,022 tỷ và 3,778 tỷ đơn vị.
Theo số liệu thống kê từ HoSE và HNX, tính đến hết ngày 10/11/2021, số cổ phiếu lưu hành của 27 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đạt hơn 46,6 tỷ đơn vị, chiếm hơn 1/4 tổng lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường.
Thanh Hoa