Sau gần ba năm kể từ khi Ngân hàng Nhà nước công bố thí điểm 10 ngân hàng thương mại áp dụng Basel 2, đến cuối 2018 mới có Vietcombank, VIB và OCB chính thức được công nhận triển khai thành công Basel 2 và hiện có 7 nhà băng đã có hồ sơ đăng ký đang chờ được thẩm định.
Nhiều thuận lợi
Theo các chuyên gia, việc triển khai áp dụng Basel 2 giúp chuẩn hóa, cải thiện và lành mạnh lĩnh vực ngân hàng thông qua việc áp dụng các chuẩn mực toàn cầu.
Trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa thị trường tài chính theo cam kết trong các hiệp định tự do thương mại, việc đáp ứng chuẩn Basel 2 sẽ giúp các ngân hàng Việt Nam có cơ hội vươn tới thị trường các nước phát triển.
Không chỉ thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng Việt Nam sẽ tự mình thâm nhập để thu hút vốn từ các thị trường rộng lớn này.
Điển hình như, sau khi chính thức được Ngân hàng Nhà nước chứng nhận đạt chuẩn Basel 2 vào cuối năm 2018, Vietcombank đã bán thành công 3% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài thu về 6.200 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có nguồn vốn lớn nhất hệ thống.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ năm 2019, những thành viên nào áp dụng được các chuẩn mực Basel 2, qua thẩm định cũng sẽ được xem xét nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn nếu có đề xuất.
Kể từ năm 2018, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương siết tăng trưởng tín dụng. Ngay từ đầu năm, chỉ tiêu giao cho các ngân hàng thương mại thấp hơn những năm trước và mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành cũng giảm từ 18,17% năm 2017 xuống còn 17%. Trên thực tế, kết thúc năm 2018, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức khoảng 14%.
Đặc biệt, trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước gần như không tăng thêm room cho các ngân hàng, chỉ một vài trường hợp được nới room sau khi cân đối lại trong những tháng cuối năm.
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định tiếp tục áp dụng chính sách siết tăng trưởng tín dụng ở mức 14% và giao chỉ tiêu cho các thành viên ở mức giới hạn. Như vậy, chỉ những ngân hàng nào đạt chuẩn Basel 2 mới có cơ hội được nới room.
Đến nay mới có ba ngân hàng chính thức được công nhận triển khai thành công Basel 2 |
7 ứng viên đang chờ thẩm định
Ngoài Vietcombank, VIB và OCB đã chính thức được công nhận, hiện có 7 ngân hàng thương mại khác đăng ký được thẩm định để sớm hoàn tất việc áp dụng các chuẩn mực Basel 2 trong năm 2019.
Thời hạn áp dụng Basel 2 với nhóm 10 ngân hàng được chỉ định là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MBBank, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritimebank là năm 2020. Chỉ còn một năm để hoàn thành các tiêu chuẩn cần thiết, nên các ngân hàng còn lại phải gấp rút hoàn thành kế hoạch trong năm nay cũng là điều dễ hiểu.
Hầu hết các ngân hàng thương mại đều khẳng định, trong các tiêu chí "chấm điểm" Basel 2, khó khăn lớn nhất là yêu cầu đủ vốn và nâng cao chất lượng tài sản. Vì vậy, áp lực tăng vốn tiếp tục đặt ra trong năm 2019.
Trước đó, trong năm 2018, nhiều ngân hàng đã không hoàn thành mục tiêu tăng vốn. Đặc biệt, trong quý IV/2018, giai đoạn kết thúc năm, nhiều ngân hàng đã gấp rút thực hiện tăng vốn điều lệ, chủ yếu bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, chia cổ phiếu thưởng.
Chẳng hạn, LienVietPostBank phát hành 37,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn lên 9.875 tỷ đồng; SeABank công bố thông tin về việc tăng vốn điều lệ lên 7.688 tỷ đồng thông qua 3 đợt phát hành tổng cộng hơn 222,2 triệu cổ phiếu…
Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại nhà nước gặp khó khăn không thể tăng vốn: BIDV chưa thực hiện xong kế hoạch phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư Hana Bank để có được mức vốn điều lệ mới; Agribank do đặc thù ngân hàng 100% vốn nhà nước nên vốn điều lệ trong nhiều năm qua vẫn "dậm chân tại chỗ".
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết trong năm 2018, phương án tăng vốn của ngân hàng gặp nhiều khó khăn, chưa được phê duyệt, nên buộc phải giảm quy mô kinh doanh trong quý IV để đảm bảo an toàn vốn.
Theo đó, dư nợ cho vay của VietinBank đã phải giảm trên 26.000 tỷ đồng trong quý IV/2018, tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ tăng 6,1%.
Huyền Anh