Theo kế hoạch, 10 ngân hàng là Vietcombank, BIDV, VietinBank, ACB, MBBank, Sacombank, Techcombank, VPBank, VIB và MaritimeBank sẽ triển khai thí điểm, sau đó sẽ mở rộng áp dụng Basel 2 với các NHTM khác trong cả nước. Tuy nhiên, đến nay chưa có thành viên nào trong nhóm này công bố triển khai xong.
Cải thiện về “sức khỏe”
Sau 4 lần điều chỉnh, tháng 12/2016, NHNN đã ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được áp dụng theo chuẩn Basel 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.
Cụ thể, điều chỉnh hệ số CAR từ 9% xuống 8% nhưng bổ sung yêu cầu vốn cho rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động bên cạnh yêu cầu vốn đối với rủi ro tín dụng.
Như vậy, chỉ còn hơn 1 năm nữa, 10 ngân hàng phải chính thức áp dụng các tiêu chuẩn Basel 2 một cách toàn diện.
Vậy, hiện nay “sức khỏe” của các ngân hàng này ra sao, có đạt được mục tiêu mà NHNN quy định?
Theo số liệu báo cáo tài chính quý I của các ngân hàng, tổng vốn tự có (vốn chủ sở hữu) đều tăng so với cuối năm 2017.
Chẳng hạn, Vietcombank cho biết, tính đến hết ngày 31/3/2018, vốn chủ sở hữu của nhà băng này ở mức 56.065 tỷ đồng, tăng 6,7% so với đầu năm. BIDV đạt 50.803 tỷ đồng, tăng 4%. VietinBank là trên 63.000 tỷ đồng, ACB ở mức 17.177 tỷ đồng, tăng 7,2%. Vốn chủ sở hữu của MB Bank đạt 18.983 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2017, Sacombank ghi nhận đạt hơn 18.166 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, kế hoạch cuối năm 2018 là hơn 24.150 tỷ đồng. Techcombank hiện tại là hơn 26.000 tỷ đồng, VPBank ở mức 31.635 tỷ đồng, tăng 6,5%…
Vốn chủ sở hữu của các ngân hàng liên tục tăng, song vốn điều lệ lại không được cải thiện đáng kể.
Đơn cử, tính đến hết quý I/2018, Maritimebank duy trì vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng kể từ sau cuộc sáp nhập với MekongBank hơn 2 năm trước. BIDV vẫn dừng ở con số 34.187 tỷ đồng.
Còn VietinBank trong nhiều năm vẫn không thể tăng vốn điều lệ. Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank, cho biết từ năm 2013 đến nay chưa tăng được vốn điều lệ vì đã tìm nhiều cách và khai thác hết dư địa trong đa dạng cổ đông.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu ở 10 ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực. Tính đến cuối tháng 3/2018, nợ xấu của Sacombank còn 9.204 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu là 4,14%, giảm so với 4,67% vào đầu năm.
Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu của VIB được kiểm soát ở mức 2,5%, không thay đổi so với cuối năm 2017, trong đó tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay mới của 4 năm trở lại đây là 0,7%.
Vietcombank dự kiến sẽ là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam áp dụng Basel 2 một cách toàn diện |
Khó tăng vốn theo chuẩn
Hiệp ước Basel 2 là chuẩn mực quốc tế mà hệ thống các NHTM Việt Nam đang hướng đến thí điểm từng bước áp dụng, nhằm củng cố an toàn và hiệu quả hoạt động.
Để đáp ứng được chuẩn Basel 2, việc tăng vốn là vô cùng cần thiết, bởi không chỉ tăng năng lực cạnh tranh và cải thiện tỷ suất lợi nhuận, mà tăng vốn mới giúp ngân hàng cải thiện CAR.
Tuy nhiên, với những quy định chặt chẽ hơn về dòng vốn, nguồn vốn, sẽ không còn hiện tượng “vốn ảo” mà đòi hỏi phải có “tiền tươi thóc thật” sẽ càng làm khó cho các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ.
Sau nhiều năm kế hoạch tăng vốn điều lệ bị “phá sản”, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018, lãnh đạo VietinBank cho biết, dù không tăng được vốn điều lệ nhưng đã thực hiện nhiều biện pháp để tăng vốn tự có, trong đó có phát hành trái phiếu thứ cấp, nên vẫn đảm bảo được CAR.
Tính đến cuối năm 2017, CAR của VietinBank là 10%, cao hơn so với yêu cầu của NHNN (9%). “Chúng tôi tiếp tục duy trì CAR an toàn. Khi thực hiện Basel 2, chúng tôi sẽ giữ CAR ở mức 9%, cao hơn mức 8% theo yêu cầu của Basel 2. 1% để làm bước đệm dự phòng”, ông Thọ cho biết.
Trong số 10 ngân hàng áp dụng thí điểm chuẩn Basel 2, mới đây, lãnh đạo Vietcombank cho biết dự kiến trong tháng 7/2018, nhà băng này sẽ chính thức áp dụng Basel 2 một cách toàn diện và đầy đủ.
Hiện nay, Vietcombank đang thực hiện những công đoạn cuối cùng, trong đó có việc tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính, đặc biệt là để đáp ứng hệ số CAR bằng cách phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo lãnh đạo Vietcombank, kế hoạch này đang đi đến những bước cuối cùng. Tuy nhiên, nếu kế hoạch bị chậm, ngân hàng có thể sẽ sử dụng phương án phát hành trái phiếu dài hạn để tăng vốn cấp 2, nâng cao hệ số CAR để đảm bảo lộ trình dự kiến.
Huyền Anh