Vậy, khó khăn của các ngân hàng là gì? Liệu có xuất hiện làn sóng sáp nhập giữa các ngân hàng để đạt chuẩn Basel II?
Thông tin chính thức cho thấy, trên thị trường hiện duy nhất mới chỉ có OCB tuyên bố đã hoàn tất triển khai Basel II, nhưng đây không phải là nhà băng nằm trong nhóm 10 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ định áp dụng thí điểm các chuẩn quốc tế trong hoạt động ngân hàng theo Basel II bao gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB.
Vậy, 10 ngân hàng trên đã triển khai đến đâu? Dù không công bố chính thức, nhưng theo tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, đã có một số ngân hàng "chạm tay" vào Basel II.
Chờ xác thực
Lãnh đạo VPBank và Techcombank tiết lộ, họ đã áp dụng các chuẩn mực Basel II trong hoạt động một năm qua. Còn VIB vừa báo cáo NHNN đã đạt chuẩn Basel II.
Về khối ngân hàng thương mại nhà nước, Vietcombank là đơn vị đầu tiên xác nhận đã sẵn sàng áp dụng chuẩn Basel II.
Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng này vẫn đang thiếu "giấy chứng nhận" của NHNN.
Một nguồn tin của Thời báo Kinh Doanh cho biết hiện có hai ngân hàng đang chờ xác nhận đạt chuẩn Basel II, một ngân hàng khác đã báo cáo chờ kiểm tra.
Theo một lãnh đạo NHNN, để được cấp chứng nhận đạt chuẩn Basel II, ngân hàng phải đạt các tiêu chí như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, quản trị rủi ro, cơ sở dữ liệu, vấn đề nhân sự, văn bản pháp lý, để giúp hệ thống ngân hàng vận hành ổn định, phòng ngừa rủi ro.
Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho biết, trong những tiêu chí trên, yêu cầu vốn tối thiểu, hệ thống dữ liệu sạch và chất lượng là ba áp lực lớn nhất đối với các ngân hàng.
Theo ông Dmytro Kolechko, Giám đốc khối quản trị rủi ro của VBBank, nhà băng này mất 3 năm để số hóa dữ liệu thô và thu thập từ các nền tảng mới như mạng xã hội.
"Với thư viện dữ liệu sạch, VPBank chỉ mất vài giây để nắm bắt nhu cầu của khách hàng, từ đó cung cấp các sản phẩm tín dụng phù hợp cho họ. Ngoài ra, nhờ có hệ thống dữ liệu sạch, ngân hàng dễ dàng phát hiện được rủi ro toàn hệ thống nằm ở đâu và xử lý kịp thời", ông Dmytro Kolechko chia sẻ.
Việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II không chỉ là một xu thế tất yếu và bắt buộc khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với khu vực và trên thế giới, mà còn giúp các ngân hàng phòng tránh những cú sốc trước những biến động lớn khó lường của thị trường tài chính.
Nâng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là một trong những thách thức với phần lớn các ngân hàng thương mại hiện nay, trước khi tính đến việc thực hiện toàn diện Basel II.
Hiện, các ngân hàng đang áp dụng tỷ lệ CAR của hệ thống ngân hàng trên 12%, nhưng áp theo chuẩn mới của Basel II, tỷ lệ này thực chất chỉ còn khoảng trên 8%. Vì vậy, bắt buộc các ngân hàng phải tăng vốn tự có, song điều này không hề dễ dàng.
Để đạt chuẩn Basel II, các ngân hàng phải tăng vốn tự có |
Sẽ có làn sóng sáp nhập?
Có thể thấy, trong hai năm qua, VIB liên tục lên kế hoạch tăng vốn. Chẳng hạn, trong năm 2017, VIB đã trích phần lợi nhuận sau thuế lũy kế tại thời điểm 30/11 là 700 tỷ đồng để tăng vốn cấp 1, đồng thời phát hành 1.100 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2. Tổng vốn tự có của VIB tăng thêm 1.800 tỷ đồng từ hai phương án này.
Đầu năm 2018, VIB phát hành riêng lẻ 2.800 tỷ đồng trái phiếu thuộc loại không chuyển đổi, không được đảm bảo và không kèm chứng quyền với giá phát hành bằng 100% mệnh giá (1 tỷ đồng) để tăng quy mô vốn hoạt động.
Trong khi đó, việc tăng vốn tự có đối với các ngân hàng thương mại nhà nước còn khó khăn hơn nhiều. Điển hình, Luật Ngân sách quy định, các ngân hàng thương mại nhà nước phải chia cổ tức bằng tiền, không được chia bằng cổ phiếu, không được phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Vì vậy, để tăng vốn, các ngân hàng chọn phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, hiện nay, VietinBank không thể tăng vốn theo cách bán cổ phần do tỷ lệ sở hữu nhà nước đã thấp hơn mức cho phép 65%. Còn Vietcombank chưa thể bán hơn 10% vốn cho đối tác chiến lược do vấn đề về giá.
Theo nhận định của các chuyên gia, trước những khó khăn tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II, các ngân hàng sẽ chọn phương án sáp nhập. Do đó, xu hướng sáp nhập giữa các ngân hàng nhỏ và ngân hàng lớn, ngân hàng hoạt động yếu kém và ngân hàng "khỏe" là "con đường tắt" để các ngân hàng nhanh chóng lớn mạnh.
Ts. Cấn Văn Lực nhận định để tăng vốn, có thể các ngân hàng sẽ phải thực hiện mua bán, sáp nhập với ngân hàng khác có hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống dữ liệu và chuẩn Basel II mạnh hơn. Sự lồng ghép như vậy sẽ thúc đẩy tiến trình đáp ứng chuẩn Basel II nhanh hơn và khả thi hơn.
Hoàng Hà