Cụ thể, ACB (Mã: ACB) thông báo ngày 4/3 là thời hạn đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Đại hội năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 7/4 tại khách sạn Sheraton Sài Gòn, 88 Đồng Khởi, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM.
Cuộc họp nhằm thông qua các tờ trình như: báo cáo của ban quản trị, ban kiểm soát, phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, kế hoạch lợi nhuận 2022, tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ bằng cổ phiếu, phương án phát hành, đăng ký bổ sung và niêm yết bổ sung cổ phiếu…
Trước đó, trong năm 2021, ACB đã phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông với tỷ lệ 25%.
Tăng vốn là một trong những mục tiêu quan trọng của các ngân hàng trong năm nay. |
Sau khi phát hành, tổng vốn điều lệ của ACB tăng lên hơn 27.000 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết, việc tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn đối với ngân hàng, tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, thêm nguồn vốn để cải tạo, đầu tư các dự án chiến lược trong những năm tới.
Ngân hàng Quốc Tế - VIB (Mã: VIB) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Theo đó, ngân hàng đặt ra định hướng chiến lược phát triển cho giai đoạn 5 năm 2022 - 2026, đề xuất ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch chia cổ tức, kế hoạch kinh doanh trong năm nay cùng một số vấn đề trọng yếu khác. Đại hội sẽ được tổ chức ngày 16/3.
Hiện tại, Top 3 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống tổ chức tín dụng lần lượt là VietinBank (48.058 tỷ đồng), VPBank (44.455 tỷ đồng), BIDV (40.220 tỷ đồng). Thứ hạng này dự kiến sẽ thay đổi đáng kể sau khi các ngân hàng hoàn tất kế hoạch tăng vốn năm 2022.
Năm 2022, VIB đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tăng 35,7%. Trong đó, ngân hàng dự kiến chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Đề xuất này xuất phát từ nhu cầu vốn của ngân hàng dành cho các dự án đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo Quy định của Pháp luật. Bên cạnh đó, chính sách ESOP (chia cổ phiếu thưởng cho CBNV) nhằm phát triển và duy trì đội ngũ nhân sự chất lượng, phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, vận hành của Ngân hàng.
Trong khi đó, Vietcombank (Mã: VCB) vừa thông báo sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vào 8/4. Nhiều khả năng ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn thông qua giải pháp chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm nay, lãnh đạo Vietcombank tiếp tục đề xuất NHNN, Chính phủ có cơ chế hỗ trợ tăng vốn, tăng trưởng tín dụng.
“Để đảm bảo vai trò dẫn dắt hệ thống, tiếp tục tham gia cơ cấu lại các tổ chức yếu kém, đề nghị Chính phủ, NHNN có cơ chế đặc thù về hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Theo đó, căn cứ vào quản trị rủi ro, đề nghị NHNN cho phép ngân hàng thương mại nhà nước được chủ động tăng tín dụng”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank đề nghị.
Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cũng đề nghị Chính phủ, NHNN tiếp tục tạo điều kiện để Vietcombank tiếp tục tăng vốn bằng cách cho phép ngân hàng giữ lại lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Đồng thời, có lộ trình tăng giới hạn sở hữu nước ngoài, trước mắt là tăng lên 35%.
Một số ngân hàng khác chưa công bố kế hoạch ĐHĐCĐ, nhưng cũng đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2022, với tỷ lệ tăng thêm phổ biến từ 20 - 30% như: BIDV, VietinBank, ABBank, Vietbank, MB, MSB, OCB...
Lãnh đạo MSB cho biết, Ngân hàng sẽ trình ĐHĐCĐ qua việc chia cổ tức năm 2021, tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ. Ngân hàng muốn tỷ lệ an toàn vốn cao hơn so với tiêu chuẩn chung, nhưng vẫn sẽ đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.
Tương tự, Chủ tịch BIDV, ông Phan Đức Tú cho hay, ngân hàng dự kiến dùng vốn điều lệ tăng thêm để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ thu nhập ngoài lãi, nâng quản trị rủi ro, đồng thời tập trung cơ cấu danh mục tín dụng, bán lẻ...
Thực tế, nhằm nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế như Basel II, Basel III, các ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì tiền mặt như thời gian trước. Đây cũng là phương thức được Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các nhà băng thực hiện nhằm nâng cao tiềm lực tài chính, kể cả các nhà băng quy mô lớn.
Đặc biệt, bộ đệm vốn dày sẽ giúp các ngân hàng có lợi thế trong việc được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng để mở rộng cho vay, gia tăng nguồn lực đầu tư phát triển công nghệ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
T.H