BIDV có vốn điều lệ cao nhất hệ thống với hơn 40.200 tỷ đồng tính đến cuối năm 2020. |
Theo các chuyên gia đến từ công ty cổ phần chứng khoán VNDirect, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ diễn ra sôi động ngay trong quý I/2021.
Sôi động cuộc đua tăng vốn
Thống kê từ báo cáo tài chính quý IV/2020 của 30 ngân hàng cho thấy, đến cuối năm 2020, đã có 18 ngân hàng ghi nhận vốn điều lệ đạt trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó, HDBank là ngân hàng tăng vốn mạnh nhất trong năm 2020, tăng hơn 6.200 tỷ (tương đương gần 64%) lên 16.088 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ 65%.
Tiếp đến là SHB tăng thêm hơn 5.500 tỷ đồng nhờ chào bán thành công 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành hơn 251 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2017-2018. Tại ngày 31/12/2020, vốn điều lệ của SHB đạt 17.558 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số nhà băng khác ghi nhận mức vốn điều lệ tăng khá cao trong năm 2020 như: ACB, tăng gần 5.000 tỷ đồng lên 21.615 tỷ đồng; MB tăng thêm gần 4.300 tỷ lên gần 28.000 tỷ; OCB tăng 3.060 tỷ lên gần 11.000 tỷ; SeABank tăng khoảng 2.718 tỷ lên hơn 12.000 tỷ; TPBank tăng hơn 2.100 tỷ lên 10.717 tỷ đồng…
Hiện BIDV có vốn điều lệ cao nhất với hơn 40.200 tỷ đồng, theo sau lần lượt là VietinBank (37.234 tỷ), Vietcombank (37.089 tỷ), Techcombank (35.049 tỷ), Agribank (30.496 tỷ đồng)…
Theo dõi thị trường có thể thấy, nửa đầu năm ngoái khá trầm lắng do diễn biến thị trường không thuận lợi, nửa cuối năm ngoái cuộc đua tăng vốn và niêm yết của các ngân hàng thương mại đã trở nên sôi động hơn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, do ảnh hưởng dịch bệnh, thị trường mua bán – sáp nhập trong năm qua ảm đạm, khiến kế hoạch tìm nhà đầu tư của các ngân hàng trở nên khó khăn.
Tuy nhiên, kể từ nửa cuối năm 2020 chính sự tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán đã giúp các ngân hàng huy động vốn thuận lợi hơn. Ít nhất 8 ngân hàng tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu như: ABBank, MSB, VietCapital Bank, NamABank, SeABank, ACB, VIB, LienVietPostBank.
Bước sang năm 2021, áp lực tăng vốn của ngành ngân hàng vẫn chưa hề giảm, bởi những quy định an toàn vốn theo Basel II buộc các ngân hàng phải có đủ năng lực tài chính để dự phòng rủi ro tín dụng trong tương lai.
Bên cạch đó, hạn mức tín dụng cơ quan quản lý giao cho các ngân hàng được xác định trên vốn tự có. Do đó, những ngân hàng nào có vốn tự có cao, “room” tín dụng sẽ dư giả để mở rộng cánh cửa cho vay. Ngược lại, nhà băng nào không tăng được vốn, đồng nghĩa là cánh cửa cho vay sẽ khép lại.
Sẽ có sự xáo trộn TOP 10
Trong năm qua, bảng xếp hạng vốn điều lệ theo đó cũng có sự thay đổi đáng kể. TOP 10 ngân hàng cuối năm 2020 gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, Agribank, MB, VPBank, ACB, Sacombank, SHB. So với cuối năm 2019, SHB đã thay thế SCB để lọt vào bảng xếp hạng. ACB vượt Sacombank để lên vị trí thứ 8, MB vượt VPBank để lên vị trí thứ 6.
Thống kê theo báo cáo tài chính quý IV/2020 của các ngân hàng. |
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, bảng xếp hạng này sẽ còn biến động mạnh trong năm 2021, VietinBank có thể trở thành “số 1” nếu kế hoạch tăng vốn thành công.
Vào cuối năm qua, hành lang pháp lý để tăng vốn cho 4 ngân hàng có vốn nhà nước bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank đã rộng mở.
Bên cạnh Vietinbank đã có room nước ngoài tới 30%, 3 ngân hàng còn lại trong khối ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước vẫn còn nhiều dư địa huy động vốn từ cổ đông nước ngoài. Hiện nay, các nhà băng này đều đã có lộ trình tăng vốn điều lệ cụ thể.
Đơn cử như tại Agribank, Quốc hội kỳ họp lần thứ 9, khóa XIV cũng đã nhất trí bổ sung tối đa 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank. Với số vốn này, vốn điều lệ của Agribank sẽ vào khoảng 35.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, với kế hoạch tăng vốn giai đoạn 2020-2021, Vietcombank dự kiến nâng vốn điều lệ lên 46.176 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD).
Hay như với VietinBank, nhà băng này dự kiến sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 28,8% trong năm 2021. Nhờ đó, vốn điều lệ sẽ tăng lên 47.953 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Nếu thành công, Vietinbank sẽ là nhà băng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Các chuyên gia đều đánh giá tích cực về triển vọng tăng vốn của ngành ngân hàng thời gian tới, đặc biệt là trong năm nay.
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, chuyên gia phân tích SSI, nhận định: "Chúng tôi đánh giá triển vọng ngành ngân hàng 2021 là khả quan và việc tăng vốn sẽ thuận lợi hơn 2020, thị trường chứng khoán tích cực sẽ hỗ trợ tăng vốn".
Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, nói: "Cần phải cho phép ngân hàng thương mại cổ phần dùng các hình thức tăng vốn điều lệ khác nhau, và phải đồng bộ, thì mới đảm bảo nhu cầu tăng vốn điều lệ từ nay về sau".
Huyền Anh