Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ triển khai thí điểm Mobile Money trong tháng 4 (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, hiện các ngân hàng đang phối hợp với các bộ ngành hoàn thiện quyết định về triển khai thí điểm Mobile Money, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 4.
Nhà mạng đã sẵn sàng
Theo Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2019, Việt Nam có 129,5 triệu thuê bao, trong đó số điện thoại di động băng rộng 3G và 4G là hơn 61,3 triệu thuê bao. Mạng điện thoại di động đã được phủ kín hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Với 43,7 triệu người dùng điện thoại thông minh, chiếm 45% dân số năm 2019, Việt Nam đang ở mức trung bình khu vực, cao hơn so với Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Thái Lan, báo cáo đánh giá.
Những con số trên cho thấy Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển Mobile Money, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện và đã làm thay đổi mạnh mẽ thói quen thanh toán của người dân.
Trong một báo cáo mới đây, Viện Nghiên cứu BIDV nhận định Mobile Money có rất nhiều lợi ích như thuận tiện, phí giao dịch thấp, thúc đẩy tài chính toán diện… Phát triển Mobile Money sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông khẳng định đã sẵn sàng về hạ tầng, tài chính, nhân lực thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ… và chỉ còn đợi NHNN “bấm nút” sẽ lập tức triển khai Mobile Money.
Nhà mạng MobiFone và VNPT và Viettel cho biết, đề án Mobile Money đã được đơn vị trình cơ quan quản lý từ năm ngoái, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
Hiện, VNPT có hơn 100.000 điểm bán trên toàn quốc có thể cung cấp ngay dịch vụ này. Phía Viettel cũng cho hay, Tập đoàn đã sẵn sàng thí điểm Mobile Money. Viettel có thế mạnh mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc, với 60 triệu thuê bao di động trong nước, hơn 2.600 cửa hàng, bưu cục, siêu thị, hơn 270.000 đại lý/điểm bán và hơn 30.000 nhân viên phủ xuống đến xã, phường.
Ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho rằng ngay khi được cấp phép, thanh toán qua Mobile Money sẽ phát triển rất nhanh, do phương thức thanh toán này sử dụng được cả dịch vụ và hàng hoá có mệnh giá nhỏ. Trong khi đó, độ phủ của các nhà mạng rộng hơn các ngân hàng rất nhiều, đến tận vùng sâu, vùng xa, nên số lượng người dùng được thanh toán điện tử rất lớn.
Ngoài ra, phương thức thanh toán này có tính tiện lợi hơn: từ giải ngân các khoản vay, tài trợ cho người dân cho đến tất cả các thanh toán các dịch vụ thiết yếu, hành chính công, giáo dục, vận chuyển...
Trong tháng 4 sẽ trình Chính phủ thí điểm Mobile Money
Trước sự chậm trễ của NHNN, đầu tháng 3, trong Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN trình ngay việc thí điểm Mobile Money. Trước đó, Chính phủ đã thúc giục việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ và thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới, trong khi chưa có quy định của pháp luật, để kịp thời bảo đảm công tác quản lý.
Trong kịch bản thúc đẩy kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một số kiện nghị, trong đó có việc cho thí điểm Mobile Money trong quý I/2020. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được triển khai.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 13/4, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với NHNN sớm đưa dịch vụ tiền di động đi vào hoạt động nhằm giảm giao tiếp xã hội.
Mới đây, Thống đốc NHNN cho biết dự kiến sẽ trình Chính phủ việc thí điểm Mobile Money trong tháng 4 và khẳng định, ngay sau khi các doanh nghiệp viễn thông được NHNN cấp phép cung cấp dịch vụ Mobile Money, chỉ sau một đêm, 100% thuê bao di động của Việt Nam có thể tham gia thanh toán điện tử một cách thuận lợi theo phương thức mới.
Theo đánh giá của NHNN, mạng lưới của công ty viễn thông sẽ hỗ trợ cung cấp giải pháp tài chính toàn diện đến người dân, phổ cập nhanh hiệu quả với chi phí thấp hơn. Đồng thời, ứng dụng này giúp cho các ngân hàng tiếp cận khách hàng mà không cần phải mở rộng mạng lưới, chi nhánh, các phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, loại hình thanh toán mới này cần phải có cơ chế bảo mật tốt, có sự hỗ trợ tốt từ phía các nhà mạng và sự nỗ lực nâng cấp về công nghệ, hạ tầng và đặc biệt là cách thức quản lý, quản trị.
Thanh Hoa