Bộ ba ngân hàng này sẽ lựa chọn cổ đông chiến lược có uy tín trên thị trường, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị; chuẩn bị các điều kiện tiền đề, tiến tới niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Hiện nay, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank – mã: CTG) là 64,5%, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mã: BID) là 95,3%, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã: VCB) là 77,1% và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là 100%.
Thời cơ vàng
Theo lộ trình của Chính phủ, trong giai đoạn 2018 – 2020, đối với các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm Agribank), Nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Đến giai đoạn 2021 – 2025, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank , BIDV và Vietinbank sẽ tiếp tục giảm xuống còn 51%.
Việc giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước, triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao và hội nhập quốc tế nhằm tiến tới lộ trình thực hiện niêm yết cổ phiếu VCB, CTG, BID trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Đối với trường hợp cổ phiếu của Agribank sau khi cổ phần hóa sẽ thực hiện niêm yết tại thị trường trong nước.
Đây được xem là cơ hội "vàng" đối với bộ ba ngân hàng nói trên, khi mà TTCK đang ở trong giai đoạn bùng nổ, bởi lẽ xét một cách tổng thể, về lợi ích, việc niêm yết tài sản nước ngoài sẽ giúp các ngân hàng huy động thêm nguồn vốn từ nước ngoài, đáp ứng nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc niêm yết tại các "chứng trường ngoại" còn giúp các ngân hàng có thể quảng bá hình ảnh và mở rộng thị trường, nâng cao giá trị của cổ phiếu niêm yết, thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế về quản trị.
Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, việc nới room ngoại cho hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước lúc này là rất cần thiết để đáp ứng những nhu cầu về hội nhập, có cơ hội cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài trên thị trường tài chính.
Đồng thời, thực tế doanh nghiệp Việt được niêm yết trên thị trường chứng khoán hàng đầu thế giới đã không còn là điều mới mẻ.
Trước đó, công ty cổ phần VNG (mã: VNG) đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với Sở Giao dịch Chứng khoán NASDAQ (Mỹ, sàn chứng khoán hàng đầu cho các cổ phiếu công nghệ như Facebook, Apple, Microsoft, Google, Ebay…) để tiến hành IPO và niêm yết cổ phiếu tại sàn NASDAQ.
Ngoài VNG, nhiều doanh nghiệp Việt cũng đã ấp ủ "giấc mơ xuất ngoại", thậm chí đã bắt tay vào chuẩn bị cho mục tiêu niêm yết như: VNM, SSI, Gemadept, PVDrilling, Kinh Đô… Tuy nhiên, sau thời gian chuẩn bị, các giấc mơ đều chưa thành hiện thực.
Bộ ba ngân hàng này sẽ lựa chọn cổ đông chiến lược có uy tín trên thị trường |
Ai được lợi?
Quay trở lại với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại bộ ba "ông lớn" ngân hàng, mới chỉ có Vietinbank đã được lấp đầy room ngoại, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước hiện đã giảm xuống còn 64,46% (tính đến 31/12/2017).
Trong khi đó, tính tới ngày 31/12/2017, tại Vietcombank, cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank. Ltd nắm giữ 15% vốn điều lệ, các cổ đông nước ngoài khác nắm giữ 7,89% vốn điều lệ; sở hữu nước ngoài tại BIDV hiện mới chỉ khiêm tốn tại mức 2,51% .
Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu BID được giao dịch tại vùng giá 30.000 đồng/cp, vốn hóa thị trường đạt 102.561 tỷ đồng, là cổ phiếu có giá trị niêm yết lớn thứ 9 trên sàn HoSE.
Trong khi đó, thị giá cổ phiếu của VCB hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 61.000 đồng/cp, vốn hóa thị trường đạt 218.024 tỷ đồng, hiện đang nằm trong top những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán.
Về Vietinbank, hiện cổ phiếu CTG đang giao dịch quanh mức giá 26.000 đồng, tương đương vốn hóa thị trường đạt 97.367 tỷ đồng.
Với mức giá hiện tại, hệ số giá trên thu nhập (P/E) của VCB lên đến 19,3 lần; trong khi đó, hệ số này ở VietinBank và BIDV chỉ ở mức hơn 12 lần, thấp hơn mức P/E bình quân toàn thị trường. Điều này cho thấy cổ phiếu VCB được nhà đầu tư đánh giá cao hơn hẳn so với BID và CTG.
Xét về tổng tài sản, hiện BIDV là ngân hàng thương mại nhà nước có tổng tài sản lớn nhất, đạt 1,26 triệu tỷ đồng, tiếp theo là Vietinbank với 1,11 triệu tỷ đồng và Vietcombank đạt 997.000 tỷ đồng. Tổng tài sản của các ngân hàng này vẫn tăng đều đặn qua các năm, mức tăng phổ biến khoảng 10%.
Về tổng thể, sau 10 năm cổ phần hóa, Vietcombank có vẻ nổi bật hơn, hấp dẫn hơn hẳn so với những cái tên còn lại trong khối ngân hàng TMCP Nhà nước.
Cụ thể, năm 2016, VCB chính thức hết sạch nợ xấu tại VAMC, năm 2017 lợi nhuận trước thuế cán mốc lịch sử của ngành ngân hàng với hơn 11.000 tỷ đồng.
Kế hoạch bán hơn 10% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư tiềm năng là cái tên quen thuộc quỹ GIC của Singapore; ngân hàng Mizuho của Nhật Bản cũng sẽ được phép mua thêm cổ phần để duy trì tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng.
Mặc dù có tổng tài sản lớn nhất nhì hệ thống ngân hàng, nhưng cơ hội "xuất ngoại" cổ phiếu trong ngắn hạn đối với BIDV và Vietinbank là khó, do vẫn còn nhiều vướng mắc nội tại.
Như vậy, cái tên sáng giá nhất để ngành ngân hàng Việt thực hiện được "giấc mơ xuất ngoại", vươn tầm ra thế giới có thể sẽ là VCB.
Hiện nay, các quy định pháp lý liên quan đến việc doanh nghiệp Việt niêm yết cổ phiếu trên TTCK nước ngoài đã có nhiều thay đổi và bổ sung tạo điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết.
Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được niêm yết phần vốn phát hành ở nước ngoài ra TTCK nước ngoài; còn phần vốn huy động trong nước thì vẫn phải tuân theo quy định pháp lý trong nước.
Linh Đan