Tại Hội nghị về cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng ngày 17/6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đặt ra bài toán với các ngân hàng cần triển khai mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa ra các sản phẩm phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận vốn cho các thành phần kinh tế.
Công nghệ là yếu tố then chốt
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho biết thời gian qua, nhà băng này đã đầu tư nhiều vào công nghệ nhằm tạo tiện ích cho mình và cả khách hàng, giúp khách hàng trải nghiệm tốt nhất.
"Ngân hàng luôn kiên định mục tiêu giảm thiểu giấy tờ. Hiện, các khâu như nhân sự, tín dụng, tổ chức hành chính… đều không dùng giấy tờ, trừ các hợp đồng tín dụng vẫn phải duy trì để đáp ứng yêu cầu pháp luật", ông Hưng nói.
Theo đó, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đã giảm thiểu được việc gian lận, giấy tờ giả, gian lận trong nội bộ nếu quy trình không chặt chẽ…
"Sắp tới sẽ có giải pháp cho khách hàng là DN vừa và nhỏ tiếp cận qua app, trả lời phê duyệt cho khách hàng trong khoảng 8h. Cách thức này giảm thiểu thủ tục, sẽ mang lại lợi ích cho các khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn", ông Hưng cho biết.
Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank, cũng cho rằng sử dụng công nghệ là yếu tố then chốt trong cải cách thủ tục hành chính.
"Techcombank đã rà soát các hợp đồng, tập trung phục vụ khách hàng vào các lĩnh vực chuyên biệt, từ việc xây dựng mô hình chuyên biệt, tuyển dụng bổ sung chuyên gia… để hiểu khách hàng hơn", ông Thắng nói.
Theo vị giám đốc này, cộng đồng DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, thông tin còn manh mún, độ tin cậy không cao, nên việc vay vốn thông qua hình thức tài sản đảm bảo là điều khó khăn.
Vì vậy, để tăng cường tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng này cần kết nối theo hệ sinh thái từ nhà cung cấp, phân phối để nhìn nhận toàn bộ chuỗi kinh doanh, chuỗi giao dịch, dòng tiền. Thông qua đó, các ngân hàng sẽ thấy được "mạch chảy", mục đích kinh doanh của khác hàng… để có định hướng tài trợ, giúp khách hàng tiếp cận tín dụng nhanh mà không cần tài sản đảm bảo.
"Việc tham gia chuỗi sinh thái này giúp việc phê duyệt tín dụng được rút ngắn thời gian, hỗ trợ tối đa cho DN", ông Thắng chia sẻ.
Theo lãnh đạo các ngân hàng, việc cắt giảm thủ tục hành chính đã giúp ngân hàng tiết kiệm được nguồn tiền đáng kể, từ đó hỗ trợ cho việc giảm lãi suất, giảm phí cho các khách hàng.
Tạo thuận lợi cho tiếp cận tín dụng |
Cắt giảm lãi suất
BIDV, Vietcombank và Agribank giảm 0,5%/ năm lãi suất cho vay ở 5 lĩnh vực ưu tiên. Việc giảm lãi suất cho vay ở Vietcombank tương ứng với 92 tỷ đồng trên toàn bộ dư nợ bình quân của DN. VPBank giảm 0,5- 1%/năm lãi suất cho vay đối với DN nhỏ và vừa hoạt động tốt trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo, chế biến và môi trường.
Trong khi đó, Techcombank miễn phí toàn bộ phí chuyển tiền Internet Banking cho DN nhỏ và vừa mà không yêu cầu điều kiện bổ sung.
Còn TPBank cải tiến biểu mẫu hợp đồng, hồ sơ ký với khách hàng theo hướng đơn giản, ngắn gọn hơn. Hiện tại, khách hàng DN, cá nhân chỉ phải ký 10-15 chữ ký, thay vì hơn 100 chữ ký như trước đây.
Từ những thông tin trên có thể thấy sự cải thiện rõ nét về môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và cải thiện môi trường kinh doanh nói chung. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các ngân hàng, vẫn còn một số vướng mắc khiến việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính chưa đạt như kỳ vọng.
Ông Hưng cho biết gần đây, một số quy định càng ngày càng chặt chẽ hơn, các bộ, ngành đưa ra nhiều yêu cầu với ngân hàng thương mại. Ví dụ như việc sử dụng Nghị định 17 về cung cấp thông tin của khách hàng. "Các ngân hàng "ngập lụt" trong việc trả lời các bộ, ngành. Thậm chí có tin tố giác từ huyện cũng gửi công văn sang ngân hàng để điều tra", ông Hưng nói.
Đại diện TPBank kiến nghị, cần sớm có hướng dẫn Luật Quản lý thuế về việc ngân hàng cung cấp thông tin của khách hàng cho cơ quan thuế, nhằm thuận tiện hơn cho ngân hàng, giảm thiểu thủ tục hành chính mà ngân hàng thực hiện.
Trong khi đó, đại diện Techcombank cho rằng việc cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế, hải quan mới từ một phía ngân hàng, còn việc khai thác thông tin từ các cơ quan này để nhận diện khách hàng thì chưa có.
"Cần có sự kết nối giữa các cơ quan chức năng với thuế, hải quan, từ đó để ngân hàng đánh giá khách hàng một cách tốt nhất trước khi cho vay tín dụng", ông Thắng nói.
Đặc biệt, để có thể thực hiện cải cách hành chính, một trong những vấn đề quan trọng là đánh giá tác dụng. "NHNN đã đưa ra định lượng hóa, xếp hạng tín dụng, tiếp cận theo Basel II, tạo điều kiện tốt để đánh giá tác dụng. Nhưng việc định lượng hóa có bất cập trong quyết định xét duyệt cho vay, vì thực hiện đánh giá theo các nguyên tắc chung, về rủi ro khách hàng", ông Thắng nói.
Huyền Anh