Lượng kiều hồi chuyển qua ngân hàng SeABank tăng mạnh trong những tháng cuối năm. |
Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những nguồn lực của kiều bào tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mang tính ổn định và giá trị đó là kiều hối. Kể từ năm 2015 đến nay Việt Nam luôn nằm trong tốp 10 quốc gia có nguồn kiều hối gửi về nước nhiều nhất trên thế giới.
Sau nhiều năm liên tục tăng thì năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, lần đầu tiên các chuyên gia dự báo lượng kiều hối về Việt Nam sẽ giảm.
Mới đây Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo Di cư và Kiều hối với dự báo lượng kiều hối năm 2020 Việt Nam sẽ giảm hơn 7% còn 15,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5,8% GDP.
Báo cáo của Ngân hàng châu Á (ADB) nhận định, tại thị trường Đông Nam Á, ba quốc gia bao gồm Việt Nam, Indonesia và Philippines có dòng kiều hối sụt giảm mạnh nhất trong năm 2020.
Đến thời điểm này chưa có con số thống kê của ngành ngân hàng, nhưng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (nơi chiếm đến 40% lượng kiều hối cả nước), tính đến hết tháng 7, lượng kiều hối về TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, kiều hối đã tăng trở lại trong hai tháng trở lại đây. Cụ thể trong tháng 10/2020 có 500 triệu USD kiều hối chuyển về qua các tổ chức tín dụng, tổng cộng lượng kiều hối trong 10 tháng đầu năm đạt khoảng 4,7 tỷ USD.
Sang đến tháng 11 con số này tiếp tục tăng lên và dự kiến trong năm 2020, kiều hối về thành phố đạt khoảng 5,5 tỷ USD, tăng nhẹ 8% so với cùng kỳ năm ngoái (5,3 tỷ USD).
Nếu điều này trở thành hiện thực thì đây thực sự là con số ấn tượng, rất ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế trong nước và toàn cầu gặp khó khăn.
Thực tế, tại một số ngân hàng thương mại cũng ghi nhận sự gia tăng lượng kiều hối trong tháng cuối năm. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank, cho biết doanh số kiều hối chuyển về thông qua hệ thống Sacombank trong năm nay dự kiến tăng gấp 2 lần so với năm 2019.
Có sự đột biến này, theo ông Nguyễn Minh Tâm do năm nay Sacombank áp dụng phương thức thanh toán kiều hối qua hệ thống thanh toán trực tuyến API, tạo thuận lợi cho khách hàng có thể chuyển những khoản tiền nhỏ nhất và chuyển được nhiều lần mà không mất nhiều thời gian, thủ tục.
Cũng theo ông Tâm, ngoài thị trường kiều hối chủ lực là Mỹ, các thị trường mới nổi nhờ lực lượng xuất khẩu lao động như Nhật Bản, Hàn Quốc... kiều hối chuyển về thông qua hệ thống Sacombank cũng tăng mạnh trong năm nay.
Để đón đầu dòng vốn này, hầu hết các ngân hàng đã tung chương trình khuyến mại, ưu đãi nhằm thu hút khách hàng.
BIDV cho biết vừa chính thức mở rộng mạng lưới giao dịch nhận tiền kiều hối từ Nga, Séc về Việt Nam qua kênh chuyển tiền quốc tế KoronaPay. Hay như tại Vietcombank, khi khách chuyển - nhận tiền kiều hối có giá trị từ 1.000 USD trở lên (hoặc tương đương) qua kênh nhận tiền kiều hối Xoom sẽ được tặng tiền vào tài khoản cá nhân cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác.
Ngoài ra, một số ngân hàng còn sử dụng công nghệ chi trả kiều hối và chuyển đổi ngoại tệ sang tiền đồng kiệm có lãi suất cao. Điều này đã khuyến khích cả người chuyển kiều hối và người nhận kiều hối giao dịch qua các tổ chức tín dụng vừa đảm bảo an toàn và có cơ hội sinh lãi từ nguồn ngoại tệ kiều hối cho người nhận.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù lượng kiều hối về Việt Nam có thể giảm trong năm nay, nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng tạo ra nguồn vốn ổn định cho sự phát triển kinh tế, giảm gánh nặng nợ nước ngoài, tăng dự trữ ngoại hối, giảm thiểu rủi ro trong quá trình huy động vốn.
Huyền Anh