Các chuyên gia nhận định doanh thu kiều hối năm nay sẽ giảm mạnh so với năm 2019 do ảnh hưởng dịch Covid-19 |
Theo dự báo của TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, từ nay đến hết năm 2021 bệnh dịch vẫn tác động mạnh tới lượng kiều hối, vì vậy, sẽ không đạt được mức doanh thu của năm 2019. Doanh thu kiều hối phục hồi vào khoảng năm 2022.
Kiều hối không còn dồi dào
Trong những năm gần đây, lượng kiều hối về nước tăng mạnh, năm 2019 Việt Nam đứng thứ 9 trong số các quốc gia nhận được nhiều kiều hối nhất trên thế giới. Tuy nhiên, năm nay do tác động từ dịch Covid-19 dự báo lượng kiều hối về Việt Nam sẽ không còn dồi dào như trước.
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2020, doanh số kiều hối về TP.Hồ Chí Minh đạt 3 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân do tác động từ đại dịch Covid-19 khiến nhiều lao động ở nước ngoài mất việc, phải tạm nghỉ ở nhà, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, dẫn tới lượng kiều hối chuyển về cho người thân giảm.
Các công ty kiều hối cho biết, kiều hối trong 2 quý đầu năm 2020 giảm đáng kể, nhất là từ các thị trường xuất khẩu lao động như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Kiều hối từ các quốc gia truyền thống như Mỹ, Anh, Canada, Australia...
Thậm chí, theo một số công ty, lượng kiều hối chuyển về đã giảm mạnh, có nơi giảm 50% so với cùng kỳ, do những thị trường kiều hối chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Anh, Canada bị ảnh hưởng khá nặng từ Covid-19.
Theo dự báo của các chuyên gia, hiện nay trên thế giới dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm, trong khi đó, trong nước nguy cơ dịch bùng phát lần thứ hai đang hiện hữu. Do đó, dự báo doanh số kiều hối sẽ tiếp tục giảm trong quý tới và có khả năng giảm 40% so với năm ngoái.
Phân tích về nguyên nhân khiến lượng kiều hối sụt giảm trong thời gian qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, kiều hối đến từ 2 nguồn, kiều bào định cư ở nước ngoài và lao động ở nước ngoài, trong đó nguồn từ kiều bào chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Tuy nhiên từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có nhiều người Việt sinh sống và làm việc như Nga, Mỹ, Pháp…, trong đó lượng kiều bào ở Mỹ chiếm đến 50% kiều bào đang sinh sống trên toàn thế giới.
Khi bị phải thực hiện cách xã hội hàng loạt cửa hàng nail, nhà hàng, tiệm sửa xe… của kiều bào phải đóng cửa, nên đã ảnh hưởng đến thu nhập, khiến lượng kiều hối chuyển về cho người thân giảm theo.
Không chỉ vậy, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam. Ngay từ tháng 4, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng ra công điện về việc tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch trong đợt cao điểm, trong đó yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo các doanh nghiệp tạm dừng tổ chức xuất cảnh cho người lao động đến khi dịch được khống chế tại các nước trên thế giới. Vì vậy, “người không đi, tiền không về” cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng kiều hối sụt giảm.
Doanh thu kiều hối giảm 20%
Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán, lượng kiều hối toàn cầu giảm khoảng 20% do ảnh hưởng từ Covid-19, trong đó khu vực Đông Á và Thái Bình Dương giảm 13%, chủ yếu do sụt giảm dòng tiền từ Mỹ - nguồn kiều hối lớn nhất của khu vực này.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, diễn biến dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, nên từ nay đến cuối năm tình hình tài chính của kiều bào tác động mạnh. Vì vậy, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm nay sẽ giảm mạnh từ 10-20%.
“Tình hình kinh tế trên thế giới ngày càng xấu đi, theo báo cáo IMF, kinh tế thế giới năm nay sẽ giảm âm 5%, GDP của Mỹ trong quý II giảm 32,9% trên cơ sở một năm, còn nếu tính từ quý I sang quý II giảm khoảng 9%. Trước tình trạng đó, kiều bào sinh sống ở Mỹ ảnh hưởng rất nhiều”, ông Hiếu đánh giá.
Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng lượng ngoại hối giảm sẽ có tác động đến dự trữ ngoại hối của Việt Nam và khó đạt số lượng như năm ngoái ở mức từ 80-90 tỷ USD.
Hiện nguồn dự trữ ngoại hối đến từ vốn từ nước ngoài vào Việt Nam, vốn vay ODA, vốn vay của Chính phủ, kiều hối, FII. Vì vậy, sự sụt giảm mạnh của lượng kiều hối sẽ khiến dự trữ ngoại hối giảm theo.
Theo các chuyên gia, việc phục hồi lượng kiều hối còn phụ thuộc lớn vào việc phòng chống, kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 của các quốc gia trên thế giới. Sau khi dịch kết thúc thì kinh tế các nước vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, thời gian tới, nếu Mỹ và một số quốc gia kiềm chế được dịch thì việc làm ăn, thu nhập của người dân cũng cần ít nhất 1- 2 năm, tùy theo mức độ khủng hoảng sâu hay nông của các nền kinh tế mới có thể phục hồi.
Dự báo của ông Hiếu, từ nay đến hết năm 2021 bệnh dịch vẫn tác động mạnh tới lượng kiều hối, vì vậy, sẽ không đạt được mức doanh thu của năm 2019. Doanh thu kiều hối phục hồi vào khoảng năm 2022.
“Trên thực tế, quý I, lượng kiều hối chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sang quý II bắt đầu có tác động, nhưng quý III và IV sẽ bị ảnh hưởng sâu hơn”, ông Hiếu nhận định.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV nhận định, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2020 có thể giảm khoảng 10-15% so với năm 2019, nhưng có thể khoảng 15-17%, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu.
Thanh Hoa