Chỉ riêng trong tháng 3, lượng kiều hối chuyền về trên địa bàn TP.HCM giảm 8% do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho thấy, trong quý I/2020, lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn TP.HCM ở mức 1,2 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong tháng 3, lượng kiều hối chuyển về giảm 8% do dịch bệnh Covid-19.
Kiều hối giảm mạnh
Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 9 trên thế giới về nhận kiều hối và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về nhận kiều hối, với mức tăng trung bình từ 10-15% mỗi năm. Trong năm 2019, lượng kiều hối gửi về Việt Nam lên tới 17 tỷ USD, chiếm 6,5% GDP.
Tuy nhiên, theo đánh giá, năm nay nguồn kiều hối sẽ giảm do những thị trường cung cấp chính như: Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... nền kinh tế sụt giảm bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong quý I/2020, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM (1,2 tỷ USD) chưa bị ảnh hưởng nhiều do Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1, nên người lao động chuyển tiền về quê cho người thân ăn Tết tăng cao.
Tuy nhiên, sang đến tháng 3, ảnh hưởng dịch bệnh đã trở nên rõ rệt, nhiều nước trên thế giới tạm dừng sản xuất, kinh doanh để phòng chống dịch. Do đó, số lượng lao động mất việc, nghỉ làm tăng cao, kéo theo nguồn thu nhập giảm mạnh.
Thống kê tại NHNN chi nhánh TP.HCM cho thấy trong tháng 3, lượng kiều hối chuyển về giảm 8%. Cùng với đó, nhiều công ty kinh doanh kiều hối cũng cho biết kể từ giữa tháng 3 đến nay, doanh số kiều hối đã giảm mạnh so với thời điểm đầu năm.
Tại Công ty kiều hối Đông Á, doanh số kiều hối 22 ngày đầu tháng 4 đã giảm một nửa so với cùng kỳ tháng 3. Trong đó, giảm mạnh nhất là thị trường châu Âu, kế đến là Mỹ, Canada và các thị trường xuất khẩu lao động như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...; thị trường Úc cũng giảm 30%.
Tương tự, Sacombank cũng cho biết doanh lượng kiều hối tháng 3 đã giảm một nửa so với tháng 2 do bị ảnh hưởng bởi dịch. Nguyên nhân là nhiều người lao động mất việc, phải tạm nghỉ ở nhà, hoạt động kinh doanh đình đốn... khiến lượng tiền chuyển về giảm theo. Các công ty kiều hối đối tác tại những thị trường này cũng giảm hoạt động hoặc tạm nghỉ.
Kiều hối sẽ tăng nếu dịch bệnh được kiểm soát sớm
Theo dự báo của các chuyên gia, trong những tháng tiếp theo, đặc biệt là quý II/2020, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ tiếp tục giảm mạnh do dịch bệnh tại các thị trường lao động chính của Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh vẫn đình đốn.
"Lượng tiền kiều hối chuyển về năm nay sẽ khó đạt như năm ngoái nếu tình hình dịch bệnh không sớm kết thúc. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kết thúc trong tháng 5 hoặc tháng 6, các nước trên thế giới sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế, thì lượng kiều hối về Việt Nam sẽ tăng nhanh trong những tháng cuối năm", một chuyên gia dự báo.
Trong Báo cáo Di cư và Kiều hối mới công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo lượng kiều hối toàn cầu sẽ giảm mạnh khoảng 20% do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 và nhiều hoạt động bị đình trệ, trong đó Đông Á và Thái Bình Dương giảm 13%.
“Đây là hậu quả do sự sụt giảm dòng tiền từ Mỹ, nguồn kiều hối lớn nhất của khu vực này”, WB đánh giá.
Bước sang năm 2021, lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ hồi phục và tăng 5,6% lên 470 tỷ USD. Dự báo tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, lượng kiều hồi sẽ hồi phục và tăng 7,5%.
Tuy nhiên, WB nhấn mạnh: triển vọng này vẫn còn chưa chắc chắn, phụ thuộc vào tác động của dịch Covid-19 đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Bởi, trước đây dòng chảy kiều hối thường có xu hướng ngược chu kỳ, có nghĩa là trong những thời điểm khủng hoảng và khó khăn, người lao động có xu hướng gửi tiền về nhà nhiều hơn. Tuy nhiên, đại dịch lần này gây ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, làm gia tăng bất định.
Hoàng Hà