Theo nhận định của các chuyên gia, thời điểm hiện tại Nghị quyết 42 vẫn có vai trò to lớn trong việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD) và cần thiết phải áp dụng những nội dung trong Nghị quyết 42 để tiếp tục xử lý nợ xấu.
Nợ xấu ở mức 6,3% là khả quan
Theo số liệu thống kê của Công ty Quản lý tài sản (VAMC), từ khi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, luỹ kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng xử lý 380.200 tỷ đồng, trong đó số nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả chiếm gần 39%.
Tuy nhiên, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, thảo luận về kết quả của Nghị quyết 42 cũng có nhiều ý kiến của đại biểu còn băn khoăn về tổng số nợ được xử lý chiếm khoảng 48% so với tổng số nợ xấu.
Các chuyên gia dự báo nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6% |
Chia sẻ tại buổi đối thoại: “Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm” được tổ chức ngày 13/7, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XV cho rằng: “có lẽ nhiều người kỳ vọng nhiều hơn vào khung pháp luật về xử lý nợ xấu. Mong muốn Nghị quyết 42 đóng góp một cách có hiệu quả hơn để giải quyết câu chuyện nợ xấu. Vì vậy, cần phải nâng thêm một bước nữa về tính hiệu quả khi qua giai đoạn thí điểm”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, quá trình triển khai nghị quyết 42 có những tác động đôi khi không tính toán được bằng con số tuyệt đối, đó là xử lý nợ xấu phi hành chính và đẩy nhanh tiến trình xử lý, tức là các thủ tục hành chính, như vậy mới đẩy nhanh quá trình, vượt qua được những rườm rà của thủ tục hành chính, mới làm tăng được hiệu quả.
Do vậy, ông Hiếu nhấn mạnh: “chúng ta nên nhìn kỹ Nghị quyết này hơn, đấy là tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế và giúp ích cho cả cộng đồng doanh nghiệp nói chung và cả ngân hàng, những người vay nợ trực tiếp”.
Đồng tình, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, nhìn vào mặt số liệu, TCTD không bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua thì chắc chắn Nghị quyết 42 đã hoàn thành sứ mệnh của mình và bản thân các TCTD cũng đã đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 3%.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị quyết 42, 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nợ xấu gộp từ 17,2% xuống 6,3% là một thành quả. “Nếu nợ xấu cả nội bảng, ngoại bảng, nợ tiềm ẩn ở mức 6,3% thì tôi cho đấy là một con số khả quan. Con số 6,3% này của NHNN đưa ra là con số đã tính toán và rất khoa học”, ông Hùng nói.
Nợ xấu sẽ xử lý ra sao?
Theo các chuyên gia, vấn đề thách thức của cả ngành ngân hàng cần xử lý như thế nào? Bởi vì trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42, khách hàng đã có kinh nghiệm hơn, nhận thấy nhiều kẽ hở hơn.
Ông Hùng cho biết, thời gian đầu khi xử lý Nghị quyết 42 việc bàn giao, xử lý tài sản rất thuận lợi, nhưng nửa sau thực hiện thì phát sinh ra rất nhiều trường hợp như có tình tiết mới trong quá trình tranh tụng để không xử lý rút gọn được; hoặc việc không thể thu giữ được tài sản, khách hàng tìm mọi cách để không thể bàn giao tài sản bảo đảm cho các TCTD, thậm chí VAMC cũng không làm được, mặc dù các cấp chính quyền vào cuộc rất quyết liệt.
“Thật sự ý thức của khách hàng đối với TCTD được nâng lên nhưng cần đưa vào kỷ cương”, ông Hùng nói và cho rằng trước mắt, ngành ngân hàng phải khẩn trương rà soát, đánh giá, tổng kết Nghị quyết 42 những khó khăn, vướng mắc và những quy định pháp luật mà ngành ngân hàng có thể tự bổ sung sửa đổi rồi xem xét sửa đổi Luật TCTD.
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế- NHNN cho biết, trong quá trình nghiên cứu, NHNN nhận thấy cần luật hoá toàn bộ nội dung của Nghị quyết 42. Trong đó, bổ sung một số nội dung như: quyền sử lý tài sản bảo đảm của các dự án là bất động sản; thu giữ tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn.
Chẳng hạn, với trình tự xử lý rút gọn tại tòa đang áp dụng đối quyền tranh chấp tài sản sản, tranh chấp quyền thu giữ tài sản, nhưng tranh chấp hiện nay của các TCTD là tranh chấp về hợp đồng tín dụng. Do đó, các chính sách trong Nghị quyết 42 cũng cần sửa đổi bổ sung trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu.
Song song với đó, cần sửa đổi luật lệ có liên quan đảm bảo tính đồng bộ. Các chuyên gia kỳ vọng khi bàn thảo sửa đổi ba luật quan trọng (Luật đất đai, Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản), NHNN sẽ vào cuộc, trong quá trình thảo luận những vấn đề liên quan đến TCTD cần đề nghị sửa ngay.
Theo Nghị quyết của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ phải hoàn thiện khung khổ pháp lý trên cơ sở kế thừa các chính sách của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng và các luật liên quan để trình kết quả đề xuất lên Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 5 (tháng 5/2023). Sau đó, Quốc hội cho ý kiến hoàn thiện và thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023, nhằm tránh khoảng trống pháp lý xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023. |
Huyền Anh