Cụ thể, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2023, ngắn hơn so với đề xuất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đến 2025.
Từ tháng 8/2017 khi có hiệu lực đến nay, Nghị quyết 42 được triển khai tích cực và đạt được kết quả khả quan.
![]() |
Nghị Quyết 42 được kéo dài đến cuối 2023 giống như một biện pháp trong gói hỗ trợ kinh tế |
Theo đó, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỉ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/12/2021 giảm 17,21% so với thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực (15/8/2017).
Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/12/2021 đạt trung bình khoảng 5.670 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.150 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Trước đó, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo nợ xấu vẫn là thách thức. Ông Lực cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn có thể tiếp diễn trong năm 2022, doanh nghiệp dù hồi phục song vẫn còn nhiều khó khăn, một số lĩnh vực dịch vụ phục hồi chậm, khiến nợ xấu có xu hướng gia tăng.
Theo NHNN, đến hết năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,5%, nhưng nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản nợ được cơ cấu lại thì tỷ lệ nợ xấu gộp có thể khoảng 6,3% (so với mức 5,1% cuối năm 2020).
Với đà này, dự báo nợ xấu nội bảng có thể lên mức 2% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% năm 2022 và sẽ là thách thức khi các chính sách giãn hoãn nợ, cơ cấu lại nợ và Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu hết hiệu lực.
NHNN dự kiến nợ xấu theo Nghị quyết số 42 có thể tăng lên mức 430.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022 và 453.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024 (tại thời điểm 31/12/2021 là 412.700 tỷ đồng).
Điều này đặt ra yêu cầu gia hạn, điều chỉnh Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu (sẽ hết hiệu lực từ ngày 15/8/2022) cùng với nỗ lực của các tổ chức tín dụng trong việc tăng dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu.
T.H