Theo Chương trình làm việc Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trình bày báo cáo, cho biết đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì ở mức dưới 2%. Bên cạnh đó, tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/12/2021 giảm 17,2% so với thời điểm Nghị định số 42 có hiệu lực (15/8/2017); Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/12/2021 cao hơn khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42. (Ảnh: VGP) |
Liên quan đến quá trình thực hiện Nghị quyết, NHNN cho biết mặc dù xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã đạt được kết quả tích cực nhưng thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc khi xử lý nợ xấu cần tiếp tục có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan để xử lý như: khó khăn, vướng mắc về: mua, bán nợ xấu của tổ chức mua, bán nợ xấu; quyền thu giữ tài sản bảo đảm; thủ tục rút gọn; xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm; hoàn trả tài sản bảo đảm và vật chứng trong vụ án hình sự.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 thêm 2 năm (đến 15/8/2024), không đề xuất điều chỉnh, bổ sung bất cứ quy định nào tại Nghị quyết.
Đánh giá tổng kết thực hiện Nghị quyết 42, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: trong thời gian áp dụng Nghị quyết 42, nợ xấu được xử lý của hệ thống các tổ chức tín dụng có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu xác định theo Nghị quyết này.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, để có được kết quả này, cùng với ngành ngân hàng, các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác xử lý nợ xấu, tạo sự thay đổi đáng kể về nhận thức từ khi Nghị quyết có hiệu lực.
Mặc dù vậy, để bảo đảm đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ các kết quả đã đạt được cũng như tác động, ảnh hưởng của những quy định thí điểm trong Nghị quyết số 42, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần phân tích, làm rõ thêm về thực trạng nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu tương ứng.
Về đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết 42 và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thông qua Nghị quyết tại 1 kỳ họp vào tháng 5/2022 theo thẩm quyền quy định tại Điều 146 và Điều 147 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính cấp thiết, khả thi, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị cân nhắc xem xét sửa đổi, bổ sung đối với 2 nội dung.
Thứ nhất, bổ sung phạm vi áp dụng là các khoản nợ được hình thành sau ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.
Thứ hai, bổ sung đối tượng áp dụng các cơ chế xử lý nợ xấu tại Nghị quyết là là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), trực thuộc Bộ Tài chính, tương tự như Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam (VAMC).
Góp ý sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, Nghị quyết này ra đời trong bối cảnh cần quy định đặc thù để xử lý nợ xấu, nên có thời hạn. Hết thời hạn thí điểm mà chưa xử lý xong có thể kéo dài thêm, chứ không sửa, hay bổ sung quy định của nghị quyết thí điểm.
"Kéo dài toàn bộ quy định tại Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, thời hạn tối đa tới hết năm 2023, khớp với thời gian thực hiện nghị quyết của Quốc hội về phục hồi kinh tế. Từ năm 2024 mà chưa kịp hoàn thiện cũng thôi, không kéo dài nữa", ông Định lưu ý.
Đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rõ là Chính phủ không trình sửa nội dung, nên chỉ xem xét kéo dài Nghị quyết 42 hay không thôi. Và nếu có kéo dài thì cũng tối đa chỉ hết năm 2023, khớp với Nghị quyết 43 của Quốc hội về gói hỗ trợ kích thích kinh tế, song cần làm rõ mục tiêu để làm gì, trách nhiệm của các bên liên quan ra sao, để Quốc hội xem có đồng ý cho kéo dài hay không.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cả trung ương và địa phương, gắn trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức cụ thể trong việc thực hiện Nghị quyết.
Kết luận phiên họp, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, chỉ kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 tới hết năm 2023, không mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng nghị quyết này.
Cơ quan thường trực Quốc hội thống đã biểu quyết về việc bổ sung Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022 với 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành.
Nợ xấu có thể lên đến 6% vào cuối năm 2022 TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo nợ xấu vẫn là thách thức. Ông Lực cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn có thể tiếp diễn trong năm 2022, doanh nghiệp dù hồi phục song vẫn còn nhiều khó khăn, một số lĩnh vực dịch vụ phục hồi chậm, khiến nợ xấu có xu hướng gia tăng. Theo NHNN, đến hết năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,5%, nhưng nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản nợ được cơ cấu lại thì tỷ lệ nợ xấu gộp có thể khoảng 6,3% (so với mức 5,1% cuối năm 2020). Với đà này, dự báo nợ xấu nội bảng có thể lên mức 2% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% năm 2022 và sẽ là thách thức khi các chính sách giãn hoãn nợ, cơ cấu lại nợ và Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu hết hiệu lực. Điều này đặt ra yêu cầu gia hạn, điều chỉnh Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu (sẽ hết hiệu lực từ ngày 15/8/2022) cùng với nỗ lực của các tổ chức tín dụng trong việc tăng dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu. |
Thanh Hoa