Ngân hàng báo lợi nhuận khởi sắc, các doanh nghiệp kỳ vọng lãi vay sẽ giảm. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiều chuyên gia lo lắng về việc số doanh nghiệp rời bỏ thị trường và tạm ngừng kinh doanh tăng cao (lần lượt tăng 20,7% và 23%). Từ đó đặt vấn đề: sản xuất kinh doanh đình trệ, doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều, nhưng tín dụng lại tăng cao thì tín dụng chảy vào đâu?
Ngân hàng lãi lớn, doanh nghiệp lỗ nặng
Nửa cuối tháng 7 mới là thời điểm các doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý II, nhưng nhiều ngân hàng đã hé lộ con số lãi khả quan.
Theo đó, VietinBank ước đạt lợi nhuận trước thuế 13.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay. So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận bán niên của ngân hàng quốc doanh này tăng khoảng 74%.
MSB ước tính lợi nhuận trước thuế đạt 2.800 tỷ đồng trong nửa đầu năm, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 85% kế hoạch cả năm. Tương tự, LienVietPostBank cho biết, lợi nhuận trước thuế trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 1.700 tỷ đồng, gần bằng 60% kế hoạch cả năm và cao hơn 70% so với 6 tháng đầu năm ngoái.
Tại hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm, lãnh đạo MB thông tin, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt gần 8.000 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ; riêng lợi nhuận ngân hàng mẹ đạt 7.038 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ.
Một số ngân hàng có quy mô nhỏ cũng đang dần hé lộ con số lợi nhuận khởi sắc trong 6 tháng đầu năm. Chẳng hạn, tại SCB, lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ đạt 456 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt chưa đến 30 tỷ đồng…
Những con số trên cho thấy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vẫn rất cao so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, nửa đầu năm nay, thị trường có trọn quý II nằm trong ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng, nhưng các nhà băng vẫn thu lãi lớn, chủ yếu đến từ việc áp dụng công thức tạo lợi nhuận gồm: Kéo giãn biên lãi ròng (NIM), đa dạng hóa nguồn thu và linh hoạt trong chi phí vào thời điểm hiện tại. Trong đó, nổi bật là NIM của nhiều ngân hàng tăng khi tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với cùng kỳ, còn chi phí huy động vốn vẫn ở mức thấp do mặt bằng lãi suất thấp được duy trì.
Theo đánh giá của các chuyên gia, lợi nhuận tăng giữa tâm dịch là dấu hiệu tích cực với ngành ngân hàng. Tuy nhiên nếu đặt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phản ánh lãi suất cho vay quá cao khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận được dòng tín dụng, doanh nghiệp lâm vào cảnh ngày càng khó khăn, khả năng chống chịu suy giảm, lại là điều bất thường.
Kỳ vọng có đợt giảm lãi suất
Câu hỏi đặt ra là các ngân hàng có tiếp tục miễn, giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với khách hàng, nhất là các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19?
Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp trực tuyến để bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19.
NHNN đánh giá, doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn và theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường không phải nhỏ do sức chống chịu không còn. Nhà nước đã và đang rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, ngành ngân hàng có thể được xem là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực thời gian vừa qua.
Theo NHNN, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm.
Dù vậy, cũng có nhiều phân tích chỉ ra, lãi suất cho vay không giảm mạnh như lãi suất huy động, thậm chí mức giảm 0,3% không phải áp dụng đồng đều cho tất cả doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, tới thời điểm này, dịch vẫn tiếp tục phức tạp, doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn và ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm. Vì thế, năm 2021 này vẫn cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc ngay từ đầu năm và theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
“Mọi hoạt động của ngân hàng phải làm sao hài hoà song hành giữa 2 mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, song vẫn đảm bảo an toàn một cách cao nhất cho hệ thống ngân hàng nói chung và cho từng tổ chức tín dụng nói riêng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Cùng với đó, NHNN giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7 này.
Động thái trên của NHNN khiến nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, trông chờ vào một mặt bằng lãi suất thấp hơn ngay trong tuần này, nhất là khi lãi suất huy động ngày càng giảm. Hiện, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng chỉ phổ biến từ 3-4%/năm, 6 tháng là 4-6%/năm, 9 tháng là 4-6,5%/năm và ở các kỳ hạn từ 1 năm trở lên có lãi suất khoảng 5-7%/năm.
Huyền Anh