Nhiều ngân hàng vẫn chưa trích lập hết dự phòng rủi ro. |
Thực tế, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cũng lo ngại việc cơ cấu nợ sẽ khiến nợ xấu “phình to” trong thời gian tới, nợ xấu phát sinh có thể khiến dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, "bào mòn" lợi nhuận của ngân hàng.
Hai mảng "sáng - tối" của lợi nhuận
Bức tranh lợi nhuận nửa đầu năm 2020 của các ngân hàng dần lộ diện, trong đó có thể thấy ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã hiện diện ngay trong kết quả kinh doanh của một số ngân hàng, khiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Điển hình như, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank giảm nhẹ 2,8% xuống 10.981 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8.798 tỷ đồng. Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.428 tỷ đồng, vẫn giảm 2,2% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế và sau thuế trong 6 tháng đầu năm của Kienlongbank giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 103 tỷ đồng và 82 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Bac A Bank giảm 6,2%, cộng thêm với việc tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro (hơn 45%) đã khiến lợi nhuận trước thuế giảm gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 353 tỷ đồng.
Tương tự, lợi nhuận trước thuế 6 tháng của LienVietPostBank đạt hơn 1.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, tương đương 59% kế hoạch cả năm (1.700 tỷ đồng).
Trái với dự báo tiêu cực của nhiều chuyên gia về độ trễ tác động bởi dịch Covid-19 sẽ đến vào quý II, một số ngân hàng lại ghi nhận kết quả kinh doanh “tươi sáng”. Chẳng hạn, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VPBank tăng trưởng 51,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hay PG Bank, tăng trưởng tín dụng âm nhưng lợi nhuận của nhà băng này lại tăng tới 76% trong nửa đầu năm.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt 110 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 88 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng trưởng lần lượt 75% và 76%.
Lợi nhuận trước thuế của SeABank cũng tăng gần 64% trong 6 tháng đầu năm 2020 và hoàn thành 44,4% mức lợi nhuận mục tiêu đề ra trong năm nay.
Tạm thời "hưởng lợi" nhờ Thông tư 01
Kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng "sáng" hơn so với dự báo trước đây của các chuyên gia, được lý giải một phần do nhiều nhà băng chưa phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ được cơ cấu theo Thông tư 01 - tạm hoãn ghi nhận các khoản nợ xấu.
Tuy nhiên, khi các khoản nợ cơ cấu lại được hạch toán theo đúng bản chất, lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi nợ xấu cao dẫn đến tăng trích lập dự phòng..
Đánh giá về kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, tác động của dịch Covid-19 tới ngành ngân hàng sẽ có độ trễ nhất định. Vì vậy, theo dự báo quý III và quý IV, tác động của đại dịch tới ngành ngân hàng sẽ rõ nét, đặc biệt với các nhà băng chưa chủ động trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tiềm ẩn.
Theo tính toán, trong năm 2020, dự kiến lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm từ 30.000 - 34.000 tỷ đồng, tương đương với mức giảm từ 20 - 25% so với kế hoạch ban đầu.
Đặc biệt, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng quốc doanh sẽ phải cắt giảm tối thiểu 40% lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất cho nền kinh tế. Ví dụ, Vietcombank năm 2019 lãi 22.000 tỷ đồng thì năm nay phải giảm tối thiểu 30 - 40% lãi, nghĩa là đóng góp ít nhất khoảng 8.000 tỷ đồng cho vấn đề hạ lãi suất.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhìn nhận, trong số liệu của các ngân hàng công bố hiện nay, về cơ bản là nhiều đơn vị chưa trích lập hết dự phòng rủi ro cho nên lợi nhuận vẫn tăng. Thông thường, các ngân hàng sẽ trích lập dự phòng rủi ro vào cuối quý, nhất là vào cuối quý IV, khi đó mức độ phản ánh về lợi nhuận mới sát hơn. Lợi nhuận 6 tháng chưa phản ánh đúng mức độ tác động của dịch Covid-19.
Các chuyên gia tại Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng: "Ngân hàng hiện tạm thời đang được "hưởng lợi" từ Thông tư 01. Vì vậy, ngân hàng vẫn báo lãi nhưng có thể chỉ là "lãi ảo". Việc trì hoãn này là đang đẩy rủi ro về tương lai và "câu giờ" mà thôi!".
Trong tương lai, một khi các khoản nợ này không thu hồi được, triển vọng của ngân hàng có thể xấu đi rất nhanh do nợ xấu tăng cao "ăn mòn" lợi nhuận. Với bối cảnh Covid-19 mới như hiện nay thì rõ ràng rủi ro với các ngân hàng càng lớn.
Theo BVSC, lần khủng hoảng năm 2008, chi phí dự phòng có độ trễ khoảng 4 quý (và cả việc thông qua cơ chế trái phiếu đặc biệt VAMC mà hiện phần lớn ngân hàng đã giải quyết xong nhưng có ngân hàng vẫn còn phân bổ đến tận năm vừa qua). Vì thế, chi phí dự phòng cho các khoản nợ tiềm ẩn được phân bổ vào các quý trong tương lai và tùy theo các thay đổi của chính sách hạch toán của ngân hàng.
Thanh Hoa