Thống kê của VnBusiness tại báo cáo tài chính quý II/2023 cho thấy, điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận của nhiều ngân hàng là mảng ngoại hối khi ghi nhận tăng trưởng từ 2-3 chữ số.
Kết quả này cũng được dự báo từ trước trong bối cảnh chỉ số đồng USD vẫn duy trì được sức mạnh khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dần đi vào chặng cuối của chu kỳ nâng lãi suất. Tại Việt Nam, VND ổn định trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước liên tục cắt giảm lãi suất điều hành trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, lãi từ kinh doanh ngoại hối tại các ngân hàng cũng ghi nhận kết quả trái chiều khi nhiều nhà băng báo lãi giảm, thậm chí là lỗ từ mảng này.
Cụ thể, xét về mức độ tăng trưởng, 6 tháng đầu năm, OCB là đơn vị ghi nhận lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh nhất hệ thống, tăng 427% so với cùng kỳ năm trước, mang về 62 tỷ đồng. Đây là mảng tăng trưởng tốt nhất trong các hoạt động kinh doanh chính của OCB và đóng góp phần lớn cho con số lãi trước thuế 1.576 tỷ đồng.
Lãi từ kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng có sự phân hoá khi cần dự đoán đúng xu hướng tỷ giá trong tương lai nhằm đưa ra các sản phẩm phái sinh phù hợp. |
Nhà băng ghi nhận tăng trưởng 3 chữ số tiếp theo từ kinh doanh ngoại hối là LPBank với mức tăng 334%, đem lại 164 tỷ đồng lãi thuần, và là mảng tăng trưởng tích cực nhất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng này. Lãi từ kinh doanh ngoại hối của BaoVietBank cũng tăng 152% trong 6 tháng đầu năm, ghi nhận 27 tỷ đồng.
Tại nhóm "Big 4", Agribank là đơn vị ghi nhận lãi ngoại hối tăng mạnh nhất sau 6 tháng, khi tăng đến 124%, đem lại 1.270 tỷ đồng. Mức tăng này gấp 21 lần mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng là thu nhập lãi thuần.
Những ngân hàng tư nhân khác cũng báo lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh như Vietbank tăng 86%, ACB tăng 70,6%, SHB tăng 67%, TPBank tăng 48%, Eximbank tăng 41%...
Còn xét về giá trị tuyệt đối, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng lãi nhiều nhất từ kinh doanh ngoại hối nhờ lợi thế đặc thù về hoạt động ngoại thương. 6 tháng đầu năm, ngân hàng này ghi nhận gần 3.200 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Các ngân hàng thuộc nhóm "Big 4" giữ vị trí tiếp theo lần lượt là VietinBank, BIDV và Agribank. Tại VietinBank, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 47%, ghi nhận khoảng 2.350 tỷ đồng. BIDV thu về gần 1.500 tỷ đồng từ mảng này, tăng 20,5% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng lại báo lãi từ kinh doanh ngoại hối đi lùi so với cùng kỳ. Đứng đầu là VietABank với mức giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ lãi vỏn vẹn 1 tỷ đồng.
Những ngân hàng ghi nhận lãi từ ngoại hối giảm hai chữ số lần lượt là Kienlongbank giảm 58%, SeABank giảm 40%, ABBank giảm 30%, MB giảm 26%, BVBank 27%, MSB giảm 17%.
Trong khi đó, 3 ngân hàng kinh doanh thua lỗ trong mảng này là Techcombank, VIB, và VPBank. Riêng VPBank lỗ tới 557 tỷ đồng kinh doanh ngoại hối sau 6 tháng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 250 tỷ đồng. Chi phí hoạt động cho mảng này đã ngốn hết thu nhập mà VPBank có được. Tiếp đến là Techcombank với mức lỗ 241 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 1 tỷ đồng. VIB lỗ 18 tỷ đồng sau 6 tháng, giảm so với mức lỗ 168 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia tài chính, lãi từ kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng có sự phân hoá khi cần dự đoán đúng xu hướng tỷ giá trong tương lai nhằm đưa ra các sản phẩm phái sinh phù hợp.
Tại mảng kinh doanh ngoại hối ở các nhà băng, phần lớn lãi thuần đến từ hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay. Điều này tương ứng nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra. Trong suốt quý II, tỷ giá giữa VND với USD dao động trong biên độ hẹp, trong khoảng 23.610-23.755 VND/USD, tăng 0,4% và về tương đương mức tỷ giá đầu năm. Điều đó góp phần giúp nhiều ngân hàng thu lãi cao từ mảng hoạt động này nếu dự đoán đúng xu hướng tỷ giá.
Các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước thắng lớn ở mảng kinh doanh này khi có lợi thế về nguồn ngoại tệ dồi dào cũng như thị phần lớn. Ngoài ra, những ngân hàng có cơ sở khách hàng doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lớn sẽ có nhiều lợi thế ở hoạt động này, vì có lượng khách hàng có nhu cầu mua bán ngoại tệ thường trực rất lớn, đặc biệt với khách hàng doanh nghiệp thì trong giai đoạn thị trường ngoại hối thường xuyên biến động, rủi ro tỷ giá lớn buộc các khách hàng này phải có các hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn hoặc quyền chọn, giúp các ngân hàng càng gia tăng nguồn thu phí từ các hợp đồng.
Thanh Hồng