Nhiều ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến hàng trăm % so với cùng kỳ. |
Tính đến ngày 3/11 hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III. Theo đó, 2/3 ngân hàng ghi nhận lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối, thậm chí mức tăng trưởng từ vài chục đến vài trăm % so với cùng kỳ.
Ngân hàng bội thu từ kinh doanh ngoại hối
Thông thường, hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng gắn chặt với diễn biến lên xuống của tỷ giá. Những năm nào tỷ giá có nhiều biến động với nhiều đợt sóng tăng giảm thì năm đó, các ngân hàng thường có lợi nhuận cao ở mảng kinh doanh ngoại hối, và ngược lại.
Tuy nhiên, tham chiếu theo tiêu chí trên sẽ thấy bất ngờ khi mảng kinh doanh này của hầu hết các ngân hàng đều tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm với diễn biến nhìn chung khá ổn định của tỷ giá trong nước.
Đầu tiên phải kể tới “ông lớn” Vietcombank, dù không phải là ngân hàng có con số tăng trưởng lợi nhuận trong mảng kinh doanh ngoại hối lớn nhất trên thị trường so với cùng kỳ, nhưng ghi nhận lợi nhuận cao nhất. Đến hết tháng 9 ngân hàng đạt gần 2.963 tỷ đồng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối, riêng quý III/2020 đóng góp 1.034 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 17% và 14% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ hai là VietinBank với lợi nhuận 1.514 tỷ đồng, tăng trưởng 27,3% so với cùng kỳ, đóng góp 4,7% tổng thu nhập hoạt động
Hay tại BIDV, quý III/2020 ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 28% so với cùng kỳ, đạt 437,5 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm tăng 16% đạt gần 1.254 tỷ đồng.
Trong khi đó, lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối 9 tháng đầu năm của TPBank đạt 142 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với các ngân hàng trên, nhưng so về tỷ lệ tăng trưởng lại đứng đầu hệ thống ngân hàng với mức tăng tới 468%.
Các ngân hàng khác cũng có mức tăng trưởng đột biến về lợi nhuận kinh doanh ngoại hối như: SeABank tăng 226,7%, MSB tăng 134%, SHB tăng 131,6%...
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm nay dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng tín dụng của ngân hàng do nhu cầu vốn của doanh nghiệp sụt giảm mạnh. Vì vậy, các ngân hàng chuyển dịch mạnh mẽ chiến lược tăng trưởng theo hướng giảm dần hoạt động theo phương thức truyền thống là dựa hoàn toàn vào tín dụng mà mở rộng sang ngoại hối, dịch vụ, chứng khoán…
Riêng đối với lĩnh vực kinh doanh ngoại hối gần đây không kém phần béo bở khi nhu cầu chi tiêu ngoại tệ cho các hoạt động du lịch, du học, định cư,…ở nước ngoài ngày càng lớn. Lượng kiều hối về Việt Nam cũng tăng nhanh theo từng năm. Do đó, đã có sự cạnh tranh thị phần ở các ngân hàng.
Đã có một số ngân hàng trước kia có sự tăng trưởng lợi nhuận đứng trong nhóm dẫn đầu thì nay đã “rớt” xuống nhóm cuối, thậm chí còn nhận về kết quả tăng trưởng âm. Chẳng hạn như VPBank trong 9 tháng đầu năm ghi nhận hoạt động kinh doanh ngoại hối bị lỗ (-220 tỷ đồng), VIB (-6,8 tỷ đồng) và BacA Bank (-6,2 tỷ đồng).
Chênh lệch mua - bán nới rộng
Các chuyên gia đánh giá chính sách lãi suất 0% và sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá liên ngân hàng góp phần giúp tỷ giá USD ổn định, cùng với cơ chế điều hành tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo hướng công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày đang tạo ra nhiều cơ hội hơn cho hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, kinh doanh ngoại hối là mảng dịch vụ giúp các ngân hàng không bị nợ xấu do phần lớn lãi thuần đến từ hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay, tức nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng khi hoạt động mua-bán ngoại tệ được áp dụng theo cơ chế thị trường, các ngân hàng phải thận trọng theo dõi sát diễn biến điều hành tỷ giá của NHNN từ đó có những điều chỉnh hợp lý.
“Khi ở trạng thái dương, ngân hàng mua vào đúng thời điểm giá rẻ và bán ra với giá đắt thì có lời nhưng nếu ở trạng thái âm thì khá rủi ro, khi mua vào giá cao và bán ra giá rẻ, thành ra các tổ chức ấy sẽ thua lỗ về mảng này”, ông Hiếu cho hay.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dù tỷ giá USD trên thế giới liên tục biến động, nhưng tỷ giá USD/VND ổn định, duy trì giao dịch quanh 23.090 - 23.270 VND/USD (mua vào – bán ra) trong một thời gian dài.
Dù tỷ giá không có nhiều quãng biến động nhưng chênh giá mua - bán được nới rộng lên tới khoảng 200 VND, thay vì chỉ chênh 90-120 VND cùng kỳ năm trước. Vì vậy, biên lợi nhuận của nhà băng theo đó cũng tăng cao.
Trong khi đó, về lượng, nhu cầu và quy mô giao dịch ngoại tệ của nền kinh tế ngày càng mở rộng trong 9 tháng qua. Điều này được thể hiện cụ thể qua tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đạt gần 389 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ.
Mặt khác, một lượng lớn giao dịch ngoại tệ của các ngân hàng đã được thực hiện với Ngân hàng Nhà nước khi nhà điều hành đẩy mạnh mua vào USD để gia tăng dự trữ ngoại hối.
Trong 9 tháng qua, NHNN đã mua vào thêm khoảng 14 tỷ USD, nâng tổng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục 93 tỷ USD. Quy mô này đồng nghĩa với lượng bán lại, giao dịch qua các ngân hàng thương mại với vai trò trung gian và nắm chênh lệch đáng kể.
Thanh Hoa